Theo Đề án tuyển sinh năm học 2024 – 2025 của Trường ĐH Hà Nội, học phí năm học tới của trường khoảng 720.000 – 1.740.000 đồng/tín chỉ. So với mức thu năm ngoái khoảng 650.000 – 1.390.000 đồng/tín, học phí tăng khoảng10-25%.
Ở các cơ sở đào tạo khác, mức tăng học phí cũng đã được công bố. Đơn cử như tại Trường ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, năm học 2024 – 2025, nhà trường tiếp tục thực hiện thu học phí theo quy định của Chính phủ đối với cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính nhóm 2 (Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ).
Theo quy định nói trên, với trường ĐH chưa tự chủ, mức thu thấp nhất ở khối ngành Y – Dược có mức tăng khoảng 3,1 triệu đồng lên mức 27,6 triệu đồng/năm; Với các trường ĐH công lập tự chủ mức 1, học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 2, học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của các trường ĐH chưa tự chủ tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Năm 2023, ngành Y khoa, Y học cổ truyền của Trường ĐH Y Hà Nội có mức học phí cao nhất với 55,2 triệu đồng/năm. Các ngành Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí 41,8 triệu đồng/năm…
Còn tại Trường ĐH Y Dược TPHCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – Trưởng phòng Đào tạo cho biết, năm 2024 học phí các ngành dao động từ 46 – 84,7 triệu đồng 1 năm học (10 tháng), tăng 10% so với hiện tại. 2 ngành Y khoa, Răng – Hàm – Mặt có mức học phí hơn 80 triệu đồng 1 năm, tăng hơn 7 triệu.
Theo đề án tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã công bố, năm 2024 trường có 8 chương trình đào tạo với mức học phí thấp nhất từ 30 triệu đồng đến mức cao nhất là 807 triệu đồng/năm. Cụ thể, các chương trình tiêu chuẩn dạy bằng tiếng Việt; Chương trình tài năng; Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV) có học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ. Học phí chương trình dạy học bằng tiếng Anh; Chương trình tiên tiến được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English). Đối với chương trình chuyển tiếp quốc tế, trong 2 – 2,5 năm đầu, học phí khoảng 40 triệu đồng/ học kỳ. Từ 2 – 2,5 năm cuối chuyển tiếp sang ĐH đối tác học phí khoảng 566 – 807 triệu đồng/năm.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua Trường ĐH Luật TPHCM cũng vừa thông báo mức thu học phí mới năm học 2023 – 2024. Mức này cao hơn đáng kể so với năm học trước. Sinh viên đóng học phí học kỳ II theo mức mới và đóng bù phần còn thiếu của học kỳ I. Đồng thời nhà trường cũng thông báo mức học phí năm học 2024 – 2025, theo đó các ngành tăng từ trên 2 triệu đồng đến khoảng 16 triệu đồng/năm học tùy chương trình.
Xung quanh băn khoăn của thí sinh và gia đình về mức học phí tăng năm học tới, TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội chia sẻ, để theo học được ngành yêu thích, thí sinh có thể cân nhắc một số điểm như chọn ngành học ở một trường có học phí vừa phải với khả năng chi trả của gia đình. Một số trường ĐH chưa tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư có thể có mức học phí thấp hơn các trường đã tự chủ hoàn toàn. Đặc biệt, theo bà Phương, người học cần cố gắng học tốt để được cấp học bổng khuyến khích học tập. Nếu sinh viên có học lực từ khá trở lên là đã có cơ hội nhận học bổng. Các mức học bổng có thể dao động từ 100 – 120% mức học phí. Với sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp tiết kiệm chi tiêu. Bên cạnh đó, người học cũng có thể vừa đi học, vừa đi làm thêm bắt đầu từ năm thứ 2 để trang trải một phần học phí hoặc phí sinh hoạt.