Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho xây dựng pháp luật, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương
Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật đến nay, đều có đề nghị bổ sung vào Điều 3, dự thảo Luật một nguyên tắc để chỉ đạo, quán xuyến trong quá trình sửa đổi và thi hành luật. Đó là nguyên tắc: “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”. Cùng với đó là bổ sung các điều khoản quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội và HĐND, trong đó có tiêu chí tương tự như nội dung của nguyên tắc nêu trên để tạo cơ sở pháp lý cụ thể thực hiện nguyên tắc mới được bổ sung vào Luật.
Đa số thành viên Ban soạn thảo dự án Luật nhất trí với việc bổ sung nội dung nêu trên ở Điều 3 quy định về nguyên tắc và cả ở các điều khoản quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của các cơ quan của Quốc hội và HĐND để vừa bảo đảm sự chỉ đạo, quán xuyến chung trong xây dựng và thi hành Luật. Đồng thời có sự tập trung, chú trọng trong hoạt động giám sát chuyên đề để bảo đảm thể chế hóa và thi hành trên thực tế yêu cầu, chỉ đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong tình hình mới, bảo đảm mối quan hệ biện chứng, sự gắn kết trong thực hiện các chức năng của Quốc hội và HĐND, đó là lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và hoạt động giám sát.
Tán thành với việc bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cùng với việc bổ sung nguyên tắc mới, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều luật mới để luật hóa quy định của Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH ngày 11.1.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, hoàn thiện các quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND tạo cơ sở pháp lý cụ thể để thi hành nguyên tắc mới được bổ sung.
Đồng thời, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá cao ban soạn thảo để bảo đảm tính hợp lý về thang bậc giá trị pháp lý điều chỉnh các vấn đề về hoạt động giám sát, dự thảo Luật đồng thời bổ sung một số điều luật mới để hoàn thiện, luật hoá các quy định của Nghị quyết 334, Nghị quyết 594 về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, vấn đề giải trình của Quốc hội, HĐND.
Hết sức cởi mở, linh hoạt, có vấn đề là giám sát ngay
Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nội dung “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là một nguyên tắc của hoạt động giám sát. Bởi, việc cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương chỉ là một trong những kết quả của hoạt động giám sát. Trường hợp quy định đây là một nguyên tắc chung của hoạt động giám sát thì tất cả các hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đều phải tuân thủ tuyệt đối theo nguyên tắc này.
Trên thực tế, không phải tất cả các hoạt động giám sát đều gắn với hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương. Chẳng hạn, có những trường hợp hoạt động chất vấn, giải trình chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm trong công tác thực thi pháp luật, đề cao trách nhiệm giải trình của người bị chất vấn mà không nhất thiết phải hướng đến việc hoàn thiện pháp luật hoặc quyết định các vấn đề quan trọng.
Nêu quan điểm “càng ít nguyên tắc càng tốt”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, nhiều nguyên tắc sẽ ràng buộc hoạt động giám sát; trong khi giám sát là hoạt động thực thi quyền lực của Quốc hội, HĐND nên cần hết sức cởi mở, linh hoạt, có vấn đề là giám sát ngay.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là mục đích của giám sát. Giám sát phục vụ làm chính sách, sửa đổi chính sách. Do vậy, “dự thảo Luật càng quy định ít nguyên tắc, càng linh hoạt cho hoạt động giám sát”.
Dự thảo Luật dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên hop thứ 39. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu và có giải trình thấu đáo, nhất là về việc bổ sung nguyên tắc mới, trên cơ sở vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt được sự đồng thuận thì luật hóa; còn vấn đề nào chưa được thực tiễn kiểm nghiệm thì chưa luật hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, “giám sát để kiến tạo và phát triển, giám sát phải gắn với lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Và muốn làm được như vậy, thì vai trò của của giám sát có phải là cung cấp cơ sở thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và có nâng lên thành nguyên tắc hay không?”.
Nhấn mạnh, nguyên tắc là tổng kết từ thực tiễn, có giá trị quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phải thực hiện, cho nên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm các ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học, luận giải cho thuyết phục.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/can-nhac-giai-trinh-thau-dao-viec-bo-sung-nguyen-tac-moi-i384577/