Tại góc đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM có một căn nhà nhỏ là nơi ở của Bác Hồ trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM đã hơn 100 năm tuổi
Theo các tài liệu nghiên cứu, Bác Hồ đã ở tại căn nhà này 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán tại số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5. Trong số đó, có 1 căn được giữ lại làm di tích lưu niệm về Bác đó là căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm. Di tích này được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng Bác đã dừng chân, làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi tại đây bắt đầu từ 19/9/1910 cho đến ngày ra đi tìm đường cứu nước.
Đây là căn nhà 1 trệt, 1 lầu được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác. “Tầng 1 có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và 2 bên vách tường trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910-1911,…” – Nhân viên phụ trách quản lý di tích – Trần Thị Quyên chia sẻ. Tổng diện tích căn nhà 35m2, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Trên tầng 2 bày trí các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa.
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở giữa căn nhà
Gặp gỡ nhóm sinh viên cũng đang thảo luận tìm hiểu về nơi đây, Võ Lê Thanh Tuyền (sinh viên năm 2 trường Đại học Mở TP.HCM) cho biết: “Ghé thăm căn nhà này, đọc những tài liệu được lưu giữ, tôi được biết thêm về cuộc sống, sự giản dị của Bác. Đây là nguồn tư liệu quý giúp ích cho tôi rất nhiều trong học tập”.
Những hình ảnh được lưu giữ tại ngôi nhà Bác từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước
Thời gian ở tại căn nhà này là cột mốc khá quan trọng, vì ở nơi đây Bác đã có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước. Bác dạy học, đi làm ở trường thọ máy, đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và âm thầm tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Người lấy tên Văn Ba và rời phân cuộc Liên Thành thương quán vào ngày 04/6/1911. Tại bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu Amiral Latouche Treville, Người ra đi tìm đường giành độc lập tự do cho dân tộc vào ngày 05/6/1911.
Một căn nhà khác Bác cũng đã từng ở là nhà ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM (căn nhà ngày nay đã không còn nữa)
Thảo Mi