Hiện nay, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên có đủ 100% cán bộ địa chính xã. Có xã được bố trí 2 cán bộ địa chính. Điều này đã giúp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những xã đặc biệt khó khăn từng bước nâng cao công tác quản lý đất đai và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm về đội ngũ cán bộ địa chính trẻ, năng động, nhiệt huyết thì điểm hạn chế nhiều cán bộ địa chính mới ra trường công tác được vài ba năm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tham mưu cấp ủy về quản lý đất đai… Cùng với đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường là lĩnh vực tương đối khó và phức tạp, nhất là đối với địa bàn các xã của tỉnh Điện Biên hầu hết chưa có bản đồ địa chính chính quy. Nên việc theo dõi, cập nhật biến động gặp không ít khó khăn, tình trạng người dân tranh chấp đất vẫn xảy ra thường xuyên.
Mường Nhé là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên. Huyện có tổng số 11 xã, thị trấn, tất cả các xã đều có đủ địa chính. Trong đó có 4 xã có 2 địa chính. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé thừa nhận: Trong năm 2023, do khối lượng công việc nhiều nên Phòng chưa thực hiện công tác kiểm tra về quản lý đất đai tại các xã, thị trấn của huyện. Tuy nhiên, để nhìn nhận, đánh giá đội ngũ cán bộ địa chính qua kênh xử lý tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác, quản lý đất đai thì hiện tại có địa chính xã Mường Nhé là vượt trội hơn cả. Song, công bằng mà nói, nếu cán bộ địa chính xã mà để họ chuyên tâm vào công tác chuyên môn thì hiệu quả sẽ tốt hơn những xã hay giao việc vặt cho địa chính. Từ điều tra rà soát hộ nghèo, điều tra dân số đến việc tuyên truyền vận động người dân tham gia các chương trình, mục tiêu khác… phải kiêm nghiệm nhiều việc nên có những hạn chế nhất định.
Bà Tâm cho biết thêm: Hàng năm, đánh giá cán bộ nói chung và cán bộ địa chính xã nói riêng là việc của Phòng Nội vụ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên môn thì cá nhân tôi thấy bất cập. Việc để Phòng Nội vụ đánh một cách chính xác về năng lực chuyên môn cán bộ địa chính xã, phường là khó… Còn đối với Phòng TN&MT theo quy định thì không được đánh giá chuyên môn, năng lực về đội ngũ này.
Tuy nhiên để nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn trong cùng lĩnh vực, chúng tôi có thể đánh giá sát hơn năng lực của họ thông qua việc trao đổi, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương xử lý các tình huống về đất đai, môi trường; căn cứ vào kết quả tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường của địa chính xã. Và đặc biệt, trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và khoáng sản…
Còn đối với công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ địa chính xã, những năm trước đây, Phòng TN&MT Mường Nhé có làm mỗi năm 1 lần. Có cả việc Phòng trưng tập cán bộ địa chính xã về làm việc tại phòng mỗi năm 1 người.
Trao đổi với chúng tôi, bà Điêu Thị Thêm, cán bộ địa chính xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé chia sẻ: Hiện tại, có rất nhiều thủ tục hành chính về xây dựng, về xử phạt hành chính trong công tác đổ thải, xác nhận của cấp xã về đánh giá tác động môi trường các công trình sửa chữa nhỏ thuộc địa bàn, bộ thủ tục cải tảo mặt bằng của các hộ gia đình… địa phương áp dụng còn lúng túng. Cũng nhiều lần hỏi Phòng TN&MT nhưng đều được trả lời hướng dẫn đọc luật. Mà bộ luật thì rất nhiều, nên chúng tôi rất rối, không chủ động được trong công tác tham mưu. Chính vì vậy, cá nhân tôi rất mong muốn Phòng TN&M, Sở TN&MT Phòng Kinh tế Hạ tầng…thuộc phạm vi nào thì tổ chức tập huấn cho chúng tôi để biết cách làm.
Được biết, không riêng gì cán bộ địa chính xã, phường huyện Mường Nhé mà hầu hết cán bộ địa chính các xã của các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng có nhiều nội dung liên quan đến công tác nghiệp vụ chuyên môn hiện, thuộc phạm vị xử lí nhưng lại rất lúng túng. Trao đổi chúng tôi vấn đề này bà Hoàng Thị Toàn, Trưởng phòng TN&MT huyện Tủa Chùa, cho biết: Cán bộ địa chính trên địa bàn Tủa Chùa còn rất hạn chế về nghiệp vụ bản đồ, phần mềm bản đồ và xử lý bản đồ. Ngoài ra, khả năng xử lý tranh chấp đất đai cho người dân cũng hạn chế, nên rất nhiều đơn của công dân cấp xã không giải quyết được công dân lại gửi vượt cấp lên cấp huyện. Trong khi, vai trò của cán bộ địa chính xã, phường vô cùng quan trọng. Nếu tại cấp cơ sở không làm tốt thì kéo theo một loạt các hệ lụy và vướng mắc của địa phương.
Được biết, hàng năm Sở TN&MT, Phòng TN&MT có huyện vẫn tổ chức tập huấn chuyên môn, (có huyện không tổ chức). Nội dung tập huấn chủ yếu các vấn đề mới, nội dung văn bản, quy định mới ban hành. Song, vấn đề cấp huyện tổ chức tập huấn cho địa chính xã không được thường xuyên.
Chính vì vậy, có những việc vướng mắc nảy sinh từ cơ sở đội ngũ cán bộ địa chính xã phải hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, đối với những vướng mắc từ cơ sở như bộ thủ tục hành chính về việc các hộ dân có nhu cầu cải tạo mặt bằng; các khu dân cư được quy hoạch tỉ lệ 1/500 nhưng không phải là khu vực quy hoạch đô thị; xử phạt hành chính đối với các hộ cá nhân vi phạm việc tự ý chuyển đổi mục đích phát hiện sau 24 tháng; xác nhận phương án xử lý môi trường của các công trình sửa chữa nhỏ trên địa bàn… Những quy định này rất cần Phòng chuyên môn TN&MT, Kinh Tế – Hạ tầng… hướng dẫn cụ thể, rõ ràng theo quy định của Luật, và hướng dẫn thi hành luật… để cán bộ địa chính xã, phường làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường tại địa phương.