TPO – Trong thời gian tới, các chuyên gia mong muốn sẽ có một bộ tiêu chuẩn kiểm định ngành Y khoa của Việt Nam được Liên đoàn Y tế Thế giới (WFME) công nhận. Từ đó, chương trình đào tạo Y khoa của Việt Nam được các nước trên thế giới công nhận.
Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TPHCM và Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC), ĐH Havard phối hợp tổ chức hội thảo về kiểm định chương trình đào tạo Bác Sĩ Y Khoa tại Việt Nam.
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội thi tốt nghiệp lâm sàng. Ảnh: Phạm Hữu Linh |
Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định ngành bác sỹ Y khoa tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu.
Ông Tú thông tin trước đây sinh viên tốt nghiệp ngành Y khoa vẫn cao nhất trong các ngành thuộc trường y”>Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội được Mỹ công nhận để tham gia thi bác sĩ nội trú tại các trường Y của họ. Nhưng hiện nay, với chính sách mới, phía Mỹ yêu cầu các chương trình bác sỹ Y khoa đào tạo ở các nước sở tại phải được kiểm định bởi Liên đoàn y khoa thế giới (WFME). Điều này có nghĩa, nếu các chương trình Y khoa của Việt Nam không được kiểm định quốc tế như yêu cầu thì sinh viên của trường không thể tham gia kỳ thi bác sĩ nội trú và học tập tại đây. Từ thực tế này, Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn kiểm định ngành Y khoa được WFME công nhận để các trường tham gia kiểm định.
Tuy vậy, ông Tú cũng chia sẻ rằng việc thực hiện hiện nay gặp khó khăn đối với các trường vì Chương trình đào tạo của các ngành học khác có nhiều tổ chức trên thế giới tham gia kiểm định. Nhưng với ngành Y khoa chỉ có duy nhất WFME. WFME không tham gia kiểm định trực tiếp mà ban hành một bộ tiêu chuẩn chung. Các nước cần thành lập trung tâm kiểm định, xây dựng và thực hiện bộ tiêu chuẩn được WFME công nhận.
Bộ tiêu chuẩn đáp ứng 2 yêu cầu
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM cho hay để nâng cao chất lượng đào tạo Bác sĩ Y khoa và hội nhập quốc tế chúng ta cần kiểm định theo bộ chuẩn được WFME công nhận. Khác với các tổ chức kiểm định quốc tế, WFME không trực tiếp kiểm định các chương trình đào tạo mà chỉ kiểm định và xét công nhận trung tâm kiểm định của các quốc gia. Trung tâm được WFME công nhận sẽ tiến hành kiểm định các chương trình đào tạo Bác sĩ Y khoa của nước đó và qua đó được WFME công nhận.
Hiện nay ở nước ta chưa có bộ tiêu chuẩn kiểm định dành riêng cho chương trình đào tạo bác sĩ y khoa. Vì vậy, Hội Giáo dục Y học Việt Nam (VAME) với các thành viên là các trường đào tạo khối ngành sức khỏe đã chủ động tìm hiểu và triển khai lộ trình xây dựng trung tâm kiểm định được WFME công nhận. Trong đó, có việc xây dựng bộ tiêu chuẩn dựa trên bộ chuẩn của WFME. Yêu cầu đặt ra là bộ tiêu chuẩn này phải được Bộ GD&ĐT của Việt Nam công nhận và ban hành đồng thời vừa phải được WFME công nhận.
Thách thức lớn nhất là làm sao cho bộ tiêu chuẩn này vừa đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT vừa phù hợp với triết lý đảm bảo chất lượng của WFME. Trong đó, triết lý kiểm định của WFME là dựa vào các nguyên tắc, và quan tâm đến tính chất đặc thù trong đào tạo y khoa và an toàn người bệnh; đến tính tổng thể của một chương trình đào tạo; chú trọng đến quá trình thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí của kiểm định, để qua đó có thể giúp các chương trình cải tiến liên tục.
Kiểm định chương trình đào tạo Bác sĩ Y khoa đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo rằng sinh viên y khoa được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để hành nghề y một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong bối cảnh y học ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế, việc đảm bảo chất lượng giáo dục y khoa không chỉ là một yêu cầu cần thiết mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một đội ngũ bác sĩ có năng lực, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
GS Nguyễn Hữu Tú cho biết, hiện nay dân số Việt Nam khoảng 100 triệu dân, thị trường lao động và thị trường khám chữa bệnh rất lớn. Đối với hoạt động đào tạo Y khoa có 32 trường đào tạo Bác sĩ Y khoa, hơn 60 trường đào tạo nhân lực y tế, do đó Việt Nam xứng đáng là địa điểm để WFME và Hiệp hội Y khoa Tây Thái Bình Dương có thể đặt một trụ sở, bộ phận kiểm định Y khoa ở Việt Nam. Bởi Việt Nam là một đất nước có hoạt động đào tạo Y khoa rất lớn ở khu vực ASEAN cũng như là ở Châu Á.
Dự thảo bộ tiêu chuẩn ngành Y khoa của Việt Nam gồm 8 tiêu chuẩn, 31 tiêu chí và 88 yêu cầu tiêu chí. Trong đó, về tiêu chí chương trình đào tạo, có yêu cầu phải bao gồm ít nhất 3 lĩnh vực chính: Khoa học Y sinh cơ bản, Khoa học về kỹ năng lâm sàng, Khoa học xã hội và nhân văn.
Nguồn: https://tienphong.vn/can-mot-bo-tieu-chuan-kiem-dinh-nganh-y-khoa-tai-viet-nam-post1658157.tpo