Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời mới có hơn 2.700 người tham gia BHXH tự nguyện, chỉ đạt 42,2% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, huyện còn phải khai thác thêm gần 3 ngàn người. Ðây là thách thức lớn đối với BHXH huyện những tháng cuối năm.
BHXH huyện Trần Văn Thời phối hợp với chính quyền tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến từng hộ dân.
Ông Trà Trung Hằng, Phó giám đốc BHXH huyện Trần Văn Thời, cho biết, việc phát triển mới BHXH gặp nhiều khó khăn chủ yếu là do tăng mức đóng BHXH tự nguyện, từ 138.600 đồng lên 297 ngàn đồng. Ðiều này tác động trực tiếp, nhiều người đang tham gia có thu nhập thấp đã dừng đóng, người tham gia mới hạn chế.
Theo ông Trà Trung Hằng, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người dân. Các chế độ, quyền lợi hưởng còn hạn chế, thời gian đóng kéo dài cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc phát triển.
Một nguyên nhân nữa, do dịch Covid-19, tình hình sản xuất, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, sản phẩm làm ra bán với mức giá thấp, cũng như khó tiêu thụ. Từ đó, người dân không đảm bảo tài chính để tiếp tục tham gia, nhiều người đã dừng đóng, chốt sổ, thu hồi số tiền đã đóng để trang trải khó khăn trước mắt.
Ngay từ đầu năm, Ðảng uỷ, UBND xã Khánh Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo các ấp rà soát người chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để tiếp tục vận động, tuyên truyền. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã, các ấp bằng mọi cách tuyên truyền, trong các cuộc họp chi, tổ hội của ấp… trạm truyền thanh phủ sóng 9/9 ấp, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT… Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn xã mới chỉ đạt trên 30%.
Chị Ðặng Thị Ni, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, chia sẻ, vợ chồng tôi đều tham gia BHXH tự nguyện. Ðóng được 1 năm thì dịch bệnh xảy ra, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên cả hai vợ chồng đều ngưng đóng, sau 1 năm thì chốt sổ. Giờ lo cho 2 con đi học nên không có điều kiện, hơn nữa mức đóng cao nên không lo nổi.
Ông Nguyễn Minh Hải, Bí thư Chi bộ Ấp 19/5, cho biết, ấp kết hợp với BHXH huyện, cán bộ xã… nhiều lần họp dân để tuyên truyền về BHXH tự nguyện, đa phần bà con đồng thuận. Lúc đầu khoảng 50 hộ tham gia BHXH tự nguyện, ở mức đóng thấp. Ở đây phần lớn bà con làm lúa và làm thuê kiếm sống, nên từ khi mức đóng tăng, bà con không còn khả năng tham gia.
Bản thân ông Nguyễn Minh Hải lúc trước cũng tham gia cho cả vợ chồng và mẹ ông với mức thấp. Từ khi dịch bệnh, rồi mức đóng tăng, mỗi tháng đóng gần 1 triệu đồng, nên tạm ngưng hơn 1 năm nay, tính sau này mới tham gia lại.
Ông Phạm Quốc Trận, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, chia sẻ, người dân trên địa bàn xã thu nhập thấp, do đó, chỉ tiêu tham gia BHYT, BHXH tự nguyện của xã chưa đạt. Thời gian tới, UBND xã chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, trên trạm truyền thanh xã, mỗi ấp có loa tay… Các ngành, đoàn thể phải phối hợp với ấp, tuyên truyền để người dân hiểu, phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
“BHXH huyện Trần Văn Thời xác định, muốn phát triển BHXH tự nguyện, không cách nào khác là tiếp tục kiên trì, bám sát nghị quyết để tuyên truyền. Qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức cũng như hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện, là chính sách an sinh của Nhà nước, để người dân mạnh dạn tham gia”, ông Trà Trung Hằng quyết tâm./.
Phúc Duy