Thói quen đầu tư, tích trữ và giao dịch vàng vật chất đã lạc hậu
Trước diễn biến “bất ổn” của thị trường vàng trong nước thời gian qua, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý thị trường và bình ổn giá vàng. Trong đó có những giải pháp được sử dụng hiệu quả, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, về lâu dài cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp quan trọng là việc sửa đổi Nghị định 24, phát hành chứng chỉ vàng, mở sàn vàng và “chứng khoán hoá vàng”.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Kinh tế nêu quan điểm: “Để quản lý thị trường vàng tốt hơn, tôi luôn ủng hộ chủ trương chống vàng hóa. Vàng hoá ở đây có nghĩa là người dân ùn ùn đổ tiền vào vàng, thanh toán bằng vàng, các ngân hàng thương mại huy động và cho vay vàng. Tất cả những hiện tượng này trước đây đã được giải quyết một cách tốt đẹp, thế nhưng thời gian gần đây, dường như hiện tượng vàng hóa có dấu hiệu quay trở lại”.
Nhìn từ kinh nghiệm quản lý thị trường vàng các nước tiên tiến trên thế giới, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ví dụ từ một nền kinh tế hiện đại và phát triển như nước Mỹ, người dân không còn thói quen giao dịch vàng vật chất do chứa đựng nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh và người mua vàng phải mua bảo hiểm. Họ thường mua chứng chỉ vàng tại thị trường chứng khoán và các công ty kinh doanh vàng.
Tại thị trường Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng thói quen giữ vàng, giao dịch mua bán vàng vật chất đã trở nên lạc hậu, trong khi hiện tại có điều kiện mua vàng, giao dịch vàng qua thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có một công ty hay ngân hàng nào phát hành chứng chỉ vàng.
“Vì vậy, tôi đã nhiều lần đề xuất NHNN nên xem xét việc thu gom vàng từ người dân và phát hành chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, NHNN còn chưa làm được chuyện đó chứ đừng nói các ngân hàng thương mại” – TS Hiếu nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, trước hết chúng ta cần phải thay đổi thói quen về đầu tư vàng và giao dịch vàng của người Việt Nam, hiện vẫn đang trong trạng thái rất lạc hậu, và để tiến đến việc hiện đại hóa thị trường vàng cần phải có chứng chỉ vàng.
Cần triệt để tiêu trừ hiện tượng “vàng hoá”
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu: “Có 2 việc chúng ta cần phải làm hiện nay là lập ra một sàn vàng, trong đó tất cả những giao dịch được cập nhật như mua bán thời điểm nào, giá bán ra sao,…. Thứ hai, bên cạnh sàn vàng, phải có một thị trường “chứng khoán vàng”. Hai việc này phải được thực hiện để thay đổi thói quen đầu tư, tích trữ vàng và triệt để tiêu trừ hiện tượng vàng hóa”.
“Tất cả những việc này cần phải làm đồng bộ với nhau, từ mở sàn giao dịch vàng, chứng khoán hóa vàng cho đến việc thay đổi Nghị định 24. Trong việc sửa đổi Nghị định 24 có hai điều khoản quan trọng là cần xóa bỏ thương hiệu độc quyền vàng Quốc gia SJC. Thứ hai, NHNN rút khỏi vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất tại Việt Nam và trao lại việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng.
Nếu làm được tất cả những điều này, chúng ta sẽ có một thị trường vàng một cách toàn diện. Đồng thời sẽ hoàn thiện được chương trình chống “vàng hóa” và biến thị trường vàng trở thành một thị trường ích quốc lợi dân, một thị trường có đóng góp cho nền kinh tế”, vị chuyên gia nhận định.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng trong việc sửa đổi Nghị định 24 cần xem xét đến việc mở sàn vàng.
“Hiện tại Việt Nam chưa có thị trường tập trung, chưa có nơi giao dịch tập trung vàng. Cho nên sự minh bạch về giá chưa rõ ràng, mà các cửa hàng nhỏ lẻ rất nhiều, cho thấy sự manh mún, có nhiều mảng bán độc lập nên thị trường chưa được minh bạch. Thị trường không minh bạch sẽ dễ dẫn đến việc làm giá, thao túng, đầu cơ,… Vì vậy, tôi cho rằng, việc mở sàn vàng là cần thiết để tạo ra một thị trường tập trung, minh bạch”.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/can-loai-bo-thoi-quen-gam-giu-vang-ngan-chan-hien-tuong-vang-hoa-1355404.ldo