Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chủ trì phiên thảo luận Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Theo đó, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 01 Điều so với Luật hiện hành. Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội về xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 06 chính sách lớn bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất với việc sửa đổi Luật Điện lực cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các thành viên Ủy ban tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước trong phát triển điên lực; quy hoạch điện lực quốc gia cần phù hợp với Luật Quy hoạch, theo quy trình của đầu tư công; Phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới là cần thiết, phù hợp với cam kết quốc tế và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về giá điện; Hỗ trợ về giá điện cho hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới, trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cần làm rõ chính sách cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư. Ngoài ra, cần chú trọng đến đảm bảo an ninh năng lượng, phân phối điện; nghĩa vụ của các nhóm liên quan đến quản lý Nhà nước về đảm bảo an ninh cung cấp điện; Chính sách phát triển năng lượng điện cạnh tranh…
Đóng góp ý kiến và chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 06 chính sách lớn. Bởi đây là những chính sách tác động tới người dân, liên quan đến nhiều đối tượng. Với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 01 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 có đủ tiêu chuẩn hay không thì Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần làm rõ hơn. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc thúc đẩy lưới điện, đảm bảo an ninh mạng lưới điện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội; phát triển năng lượng; điện gió ngoài khơi…
Đối với việc thực hiện cơ chế giá điện, minh bạch trong hoạt động mua bán, điều tiết về giá điện cần có sự nhất quán, phù hợp với các bên. Giá điện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét phù hợp hay chưa.
Tất cả những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ và các cơ quan cần bám sát, quán triệt nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Huy Tùng
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/226f5399-5f75-41ca-900b-45a3a5572a46