Tai nạn bỏng ở trẻ em có thể gặp trong cuộc sống hằng ngày. Để ngừa bỏng cho trẻ nhỏ, các gia đình cần trông nom các con cẩn thận, cho trẻ chơi cách xa nơi có tác nhân gây bỏng.
Những tình huống dễ gây tai nạn bỏng
Bệnh nhi bị bỏng nhập viện thường gặp ở trẻ từ 9 – 24 tháng tuổi. Ở lứa tuổi này, các cháu chơi, bò rất hiếu động, dễ gây đổ các vật dụng gây bỏng như: bát canh, phích đựng nước nóng…
TƯ LIỆU CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ ANH
Trong số bệnh nhân bị bỏng đang điều trị tại khoa Bỏng – Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn có bé trai bị bỏng khi mẹ của bé xách túi ni lông đựng nước phở nóng thì bé chạm vào, đánh đổ và gây bỏng vào chân phải. Tại nhà, cháu được sơ cứu đúng và kịp thời nên khi vào bệnh viện, vết thương không bị bỏng sâu, điều trị thuận lợi.
Ngoài ra, có các tình huống gây bỏng cũng rất cần lưu ý, như trường hợp bé trai bị bỏng do đưa tay vào bát cháo nóng, trong lúc mẹ của cháu để bát cháo trên bàn chờ nguội. Bỏng trong tình huống này dễ gây bỏng sâu do da mỏng và cháo nóng lâu, thời gian tiếp xúc dài.
Bỏng hơi nồi cơm điện cũng thường gặp ở trẻ nhỏ do các bé đưa tay vào phần hơi xì ra khi cơm sôi. Bỏng hơi do nồi cơm điện thường là tổn thương bỏng rất sâu, gây sẹo co kéo.
Trong gia đình, các vận dụng như ấm đun siêu tốc cũng dễ gây bỏng, do các bé làm đổ khi có nước nóng bên trong, gây bỏng chân, bỏng tay.
Sơ cứu đúng cách
Khi trẻ không may bị bỏng, người lớn, người trông trẻ cần sơ cứu đúng cách để tránh cho trẻ bị bỏng sâu hơn.
Trước tiên, cần tách tác nhân gây bỏng ra khỏi vùng tổn thương, sau đó xả nước mát trong 15 phút, rồi dùng gạc sạch, vô khuẩn phủ vùng tổn thương bỏng và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
5 bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt
Bước 1: Làm mát vết bỏng với nước sạch. Lập tức đưa vùng da bị bỏng của bé vào nước sạch để được làm mát, để khoảng 15 – 20 phút. Nên dùng nước vòi, mở nhẹ xối lên da. Không sử dụng đá hoặc nước rất lạnh chườm lên vết bỏng.
Bước 2: Làm thoáng vết bỏng. Nhanh chóng tháo bỏ trang sức, phụ kiện cho trẻ (vòng tay, vòng chân…) nếu có và quần áo khi chúng chưa bị dính chặt vào vết bỏng.
Bước 3: Làm sạch vết thương. Tuyệt đối không bôi lên vết bỏng các loại kem, nước mắm, lòng trắng trứng… Luôn giữ cho vết bỏng được sạch.
Bước 4: Đối với trẻ bị bỏng nhẹ: Sau khi sơ cứu bằng nước cho trẻ xong, có thể cho trẻ ở nhà để da tự phục hồi và theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng của trẻ.
Bước 5: Đối với trẻ bị bỏng nặng (cấp độ 2, 3): Nếu vết bỏng của trẻ bị cháy mất da, sau khi sơ cứu với nước, cần đưa trẻ vào BV. Nên che chắn vết bỏng với ni lông sạch để hạn chế nhiễm trùng (ảnh). Lý do nên chọn ni lông vì đây là chất liệu không gây dính. Khăn bông và gạc loại thông thường dễ thấm dịch tiết từ vết bỏng và dính chặt vào vết thương.
(Nguồn: Survival Skills Vietnam)
Trong các tình huống không may bị bỏng, trẻ cần được cấp cứu nhanh chóng, đúng cách bằng cách làm mát vết thương bỏng với nước sạch để tránh bị bỏng sâu. Việc sơ cứu ban đầu không đúng dễ khiến cho tổn thương bỏng sâu hơn, điều trị khó khăn.
Lưu ý các gia đình, nước làm mát vết bỏng là nước sạch, ví dụ như nước máy, và nên là nước mát khoảng 20 độ C, chứ không chườm nước lạnh, không chườm đá lạnh vì sẽ gây tổn thương thêm.
Tránh đắp thuốc đông y, bôi kem đánh răng hay nước mắm… lên vết thương bỏng vì dễ gây bội nhiễm và gây khó khăn hơn khi điều trị.
Để phòng tránh bỏng cho trẻ em, cần cho trẻ chơi xa các tác nhân gây bỏng như bếp, các vật dụng như ấm siêu tốc, nồi canh nóng, nồi cơm điện…