Phó Giáo sư Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF trình bày tóm tắt hoạt động của quỹ trong 5 năm qua.
VINIF “mở đường”
Hiện tại, ngân sách chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 0,53% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực. Tỷ lệ người làm R&D so với các quốc gia khác cũng thấp. Trang thiết bị phụ trợ công tác nghiên cứu khoa học còn nhiều thiếu thốn.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, trên thế giới, bên cạnh đầu tư trực tiếp từ Chính phủ thông qua ngân sách trung ương hoặc các quỹ quốc gia, hoạt động của các quỹ tư nhân, các quỹ phi lợi nhuận như: Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Simons Foundatio, Ford Foundation… của Mỹ đã và đang góp vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu cấp bách của lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) cho biết, ở các nước phát triển, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và giới hàn lâm rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Nhưng ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp tư nhân tài trợ cho nghiên cứu khoa học vẫn chưa phổ biến.
Được truyền cảm hứng từ những quỹ tư nhân trên thế giới, Quỹ VINIF do Tập đoàn Vingroup thành lập là quỹ tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với ngân sách cam kết hàng nghìn tỷ đồng tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những thay đổi tích cực, mang tính “mở đường” trong thu hút nguồn lực tư nhân cho nghiên cứu khoa học. Ra đời từ năm 2018, sau 5 năm vận hành, Quỹ VINIF đã góp phần tạo dựng được văn hóa làm nghiên cứu và phát triển mới tại Việt Nam; tài trợ các lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế, giáo dục, văn hóa và lịch sử.
Theo Giáo sư Vũ Hà Văn, VINIF tài trợ nhiều cho những dự án có ích cho xã hội, qua đó hy vọng nhà khoa học có cơ hội cống hiến hết mình. Quỹ có cơ chế linh hoạt, thủ tục đơn giản, các nhà khoa học có nguồn lực để mua sắm trang thiết bị máy móc cần thiết, nhận mức thù lao xứng đáng và hoàn toàn tập trung vào việc nghiên cứu, hiện thực hóa các ý tưởng và đưa các kết quả nghiên cứu ra thế giới. Các nhà khoa học trẻ cũng có cơ hội tham gia vào dự án để phát triển, tích lũy kinh nghiệm. VINIF cũng tạo điều kiện giúp các nhà khoa học đăng ký các bằng phát minh ở nước ngoài để ghi dấu ấn cho nền khoa học Việt Nam.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực
Ngoài việc đầu tư vốn cho các nhà khoa học, Quỹ VINIF còn tổ chức nhiều hội thảo về các kỹ năng khác nhau, với mong muốn giúp các nhà khoa học trang bị thêm nhiều kiến thức cần thiết cho việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Nếu nhà khoa học mong muốn đăng ký bản quyền nghiên cứu ở nước ngoài, quỹ cũng đầu tư thêm khoản kinh phí tư vấn cho các phát minh, sáng chế.
Theo cách làm này, sau 5 năm đã có 7 chương trình được triển khai, với tổng kinh phí cho các hoạt động tài trợ lên tới gần 800 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 2.500 nhà khoa học. Đã có hàng nghìn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, gần 400 sản phẩm, trên 70 phát minh sáng chế, gần 20 doanh nghiệp start-up, spin-off (hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ) hình thành.
PGS.TS Lê Chí Hiếu (Đại học Greenwich, Vương quốc Anh) cho rằng, Quỹ VINIF đã khẳng định được vị thế quan trọng, có những đóng góp tác động lớn về mặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, từng bước tạo được uy tín ở phạm vi quốc tế. Các chương trình tài trợ học bổng và hợp tác đào tạo sau đại học của quỹ thực sự đã và đang ươm mầm, đóng góp tích cực vào việc tạo ra nguồn nhân lực và mạng lưới chuyên gia về khoa học công nghệ rất cần thiết cho Việt Nam, đặc biệt là trong những năm tới, khi mà tính cạnh tranh về mặt khoa học và công nghệ ngày càng khốc liệt hơn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá, việc xuất hiện của những quỹ tài trợ khoa học như VINIF là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của môi trường nghiên cứu tại Việt Nam. “Đây là xu hướng tất yếu, theo định hướng mà Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện, mang lại tác động đáng ghi nhận và góp phần thay đổi phong cách nghiên cứu khoa học công nghệ. Việc bổ sung nguồn lực tư nhân để cùng Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ góp phần tạo ra những thay đổi, đột phá cho Việt Nam trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.