Trong tờ trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ôtô điện, một trong những giải pháp được cơ quan này nêu là ưu đãi giá bán điện bằng giá điện sản xuất.
Nội dung này nhận được sự đồng tình của cả doanh nghiệp và nhiều người dùng, bởi đây sẽ là điều kiện để người dùng tiết kiệm chi phí, từ đó giúp thúc đẩy việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh.
Liên quan tới vấn đề này, trong hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế Quyết định 28/2014 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án về giá điện cho hoạt động sạc xe điện.
Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện. Ưu điểm của phương án này là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện nên đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng sử dụng điện.
Tuy vậy, phương án này phải bổ sung nhóm khách hàng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong khi đó, các nhóm khách hàng khác vẫn được thực hiện theo lộ trình để giá điện phản ánh chi phí (giá cho sản xuất vẫn thấp hơn so với giá phân bổ phản ánh chi phí; giá cho kinh doanh vẫn cao hơn so với giá phân bổ phản ánh chi phí).
Phương án 2 là áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá kinh doanh. Bộ Công thương đánh giá ưu điểm của phương án này là không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ hiện hành. Tuy nhiên, nhược điểm là có thể tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện.
Phương án 3 là theo giá điện sản xuất. Phương án này cũng không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ hiện hành và có thể tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện.
Trong số trên, Bộ Công Thương nghiêng về phương án 2, tức là lấy giá điện kinh doanh làm cơ sở.
Đánh giá về kiến nghị của Bộ Công Thương, một chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực giá cho rằng, phương án tính theo giá điện kinh doanh thực tế chỉ có ưu điểm là “tiện”. Nguyên nhân bởi cơ quan chức năng không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ hiện hành. Ngược lại, tác động tiêu cực là rất lớn bởi phương án trên gây ra tăng chi phí sạc điện, từ đó ảnh hưởng tới chính sách phát triển xe điện của quốc gia. Theo các chuyên gia, giá bán lẻ điện cho các trạm sạc xe điện cần được tính toán theo hướng hỗ trợ tối đa, giảm chi phí cho người dùng nhằm hướng tới thói quen tiêu thụ năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.
Nói về phương án tích cực, nhiều chuyên gia lựa chọn cách tính theo chi phí sản xuất mà trạm sạc gây ra cho hệ thống hoặc theo giá điện sản xuất (phương án 1 và phương án 3 theo văn bản của Bộ Công Thương).
So với các nước trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, sự hỗ trợ với hạ tầng sạc hiện khá khiêm tốn. Một số chính sách được nêu lên thời gian gần đây nhưng phần lớn vẫn “trên giấy” và chưa thực sự ra tấm ra món.
Bởi thế, giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể với đầy đủ các chính sách khuyến khích nhiều mặt, giúp phát triển hạ tầng sạc điện, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực xanh cũng như tạo động lực để người dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, từ năng lượng có hại cho môi trường sang nguồn năng lượng sạch không gây khói, không phát khí thải và không tiếng ồn.
Đây cũng là xu hướng mà các nước văn minh đang triển khai áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.