Phải coi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác giáo dục.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần thiết phải giáo dục nhân cách, kỹ năng, kiến thức cho người trẻ trong kỷ nguyên số. (Ảnh: NVCC) |
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có tầm quan trọng rất lớn đối với xã hội và nhân dân ta. Học tập tư tưởng của Người giúp cho mỗi cá nhân có nền tảng tri thức vững chắc, đặc biệt giới trẻ có ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Qua đó, các bạn trẻ sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội và đất nước.
Trong tình hình mới, với sự phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Người càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Muốn vậy, cần tích cực đào tạo và giáo dục người trẻ về tư tưởng, đạo đức của Người. Dù là ai, học sinh, sinh viên, công nhân hay nhà quản lý cũng đều có thể đóng góp cho xã hội bằng những việc làm cụ thể. Mỗi hành động dù nhỏ nhưng đều có giá trị cho sự tiến bộ của xã hội.
Vấn đề là, làm sao để thế hệ trẻ trở nên nhạy bén hơn trước những vấn đề xã hội, nhân văn hơn trong giao tiếp, trân trọng lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong đó, tôi cho rằng, khuyến khích đọc sách, đặc biệt là người trẻ là việc nên làm và có thể áp dụng ngay. Các trường học, cơ quan cần tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có cơ hội tiếp cận và thực hành tư tưởng, đạo đức của Người trong học tập và cuộc sống.
Tôi từng chia sẻ rằng, tuổi trẻ là những nhà lãnh đạo trong tương lai của một quốc gia. Do đó, điều quan trọng là phải giáo dục người trẻ những giá trị tốt đẹp, có thái độ chịu trách nhiệm cũng như khả năng thích ứng với mọi sự đổi thay.
“Kỷ nguyên số tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành nghề trong xã hội. Bạn trẻ nếu không theo kịp sẽ bị lạc hậu và có thể bị đào thải bởi quy luật cạnh tranh. Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về ‘học, học nữa, học mãi’. Trong tình hình mới, việc học tập không ngừng càng trở nên vô cùng quan trọng”. |
Con người luôn là trung tâm của chiến lược phát triển. Theo nhiều chuyên gia, CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có kỹ năng và thích ứng với mọi tình huống. Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Có thể nói, CMCN 4.0 đang đặt ra yêu cầu thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là cần đào tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực cạnh tranh. Đây được xem là cơ hội cũng là thách thức mới mà con người cần có và phải đổi mới không ngừng.
Đồng thời, cần khơi dậy khả năng tìm kiếm cơ hội mới ở các em, khuyến khích học không ngừng, tạo ra các chương trình đổi mới sáng tạo. Cuộc cách mạng này cũng có tác động không nhỏ đến việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội. Bởi vậy, cần thiết xem xét các hệ thống an sinh xã hội mới, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều yêu cầu về năng lực và kiến thức, kỹ năng. Để thích ứng với sự thay đổi công nghệ, các em cần trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, tư duy sáng tạo, khả năng học tập không ngừng, đặc biệt là khả năng giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, xây dựng một môi trường thúc đẩy sự hợp tác, tạo điều kiện cho việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thông qua các nền tảng trực tuyến. Các bạn trẻ có thể giao tiếp, trao đổi thông tin và kinh nghiệm với nhau. Hơn nữa, trong quá trình tiến hành CMCN 4.0, cần đảm bảo rằng các tầng lớp xã hội đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ sự phát triển khoa, công nghệ. Muốn vậy, cần đẩy mạnh việc tiếp cận công nghệ và giáo dục cho các cộng đồng vùng sâu, vùng xa.
Kỷ nguyên số cũng tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong mọi ngành nghề trong xã hội. Bạn trẻ nếu không theo kịp sẽ bị lạc hậu và có thể bị đào thải bởi quy luật cạnh tranh. Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về “học, học nữa, học mãi”. Và trong tình hình mới, khẩu hiệu này càng trở nên vô cùng đúng đắn. Do đó, cần phải nhìn nhận lại giá trị và ý nghĩa của việc học trong sự phát triển vượt bậc của công nghệ.
Như vậy, muốn có một thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ cần bồi dưỡng cho các em khát vọng làm chủ trình độ khoa học trong thời đại số. Các em phải chủ động tìm hiểu về thành tựu mới mẻ trong lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo…
Hơn hết, cần chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác giáo dục. Xây dựng và triển khai các giá trị tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử của giới trẻ trên nền các giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.