Bài, ảnh: MỸ THANH
ÐBSCL là trung tâm nuôi trồng, khai thác thủy sản của cả nước, cung ứng gần như toàn bộ nguyên liệu tôm, cá tra cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023, ngành Thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm ở hầu hết các thị trường chính; chi phí sản xuất tăng cao; cạnh tranh gay gắt… Ngoài những khó khăn trước mắt, ngành hàng này còn đối mặt với những nút thắt khó gỡ nhiều năm qua: biến đổi khí hậu; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu thiếu đồng bộ…
Thu hoạch tôm phục vụ xuất khẩu tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều thách thức
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đối mặt với tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước; chi phí sản xuất tăng cao; khó khăn từ các quy định về IUU… Tháng 4-2023, xuất khẩu thủy sản tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Lũy kế 4 tháng của năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỉ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ đối mặt với tình trạng xuất khẩu khó khăn trước mắt, ngành Thủy sản của ÐBSCL vốn còn nhiều bất cập từ nội tại. Theo ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, đối với ngành Thủy sản, khu vực ÐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng khi tập trung nhiều vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics, dịch vụ phụ trợ của ÐBSCL phát triển chưa tương xứng. ÐBSCL vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại; hệ thống cung ứng và phân phối vật tư, nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá thành sản xuất còn cao và khó cạnh tranh. “Ðây là những trở ngại cơ bản để xuất khẩu thủy sản có thể bắt kịp với xu hướng hiện nay khi mà thị trường thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ðơn cử, các đối thủ của ngành tôm Việt Nam như Ecuador, Ấn Ðộ nhờ có vùng nuôi tập trung nên kiểm soát tốt dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt chi phí nên đã cạnh tranh mạnh với tôm Việt Nam trong vài năm gần đây, dù trình độ chế biến tôm của Việt Nam cao hơn hẳn” – ông Trương Ðình Hòe phân tích.
Tại tỉnh Bạc Liêu, một trong những địa phương nuôi thủy sản trọng điểm của vùng ÐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Ðề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước tại Quyết định số 214/QÐ-UBND. Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Thời gian qua tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung, trong nuôi tôm nói riêng. Mặc dù đạt được kết quả bước đầu nhưng tỉnh còn gặp khó do hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn yếu, thiếu, hệ thống thủy lợi không thể tách riêng (hệ thống kênh cấp và hệ thống kênh thoát). Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm, quy mô sản xuất thủy sản chủ yếu là kinh tế hộ, còn manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng chưa đủ lớn.
Vạch lộ trình phát triển
Trên cơ sở nhận diện mặt được và chưa được của ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng, tháng 3-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỉ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản phải là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới… Ðể đạt được mục tiêu trên, chiến lược đề ra các giải pháp, phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách; tăng cường thị trường và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản lượng sang số lượng là hết sức cấp thiết. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Ðức, Hiệu trưởng Trường Ðại học Văn Hiến, thay đổi tư duy cần chú trọng vấn đề nguồn nhân lực. Bởi thực tế những năm qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn là ngành ít tuyển được sinh viên nhất. Mặt khác, các sinh viên có kỹ năng, kỹ thuật sau khi ra trường vào làm tại các công ty thủy sản lớn lại được phân vào khâu kinh doanh, hậu mãi là không phù hợp và cần phải thay đổi. Hiện nay, nông thủy sản xuất khẩu cần tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu khách hàng. Vì vậy, cần có doanh nghiệp dẫn đầu, tổ hợp tác hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn và tổ chức thu mua, sản xuất, chế biến, thương mại hoá theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Cuối cùng là việc xây dựng thương hiệu phải xuất phát từ cá nhân, doanh nghiệp đến thương hiệu quốc gia dưới sự dẫn dắt của Chính phủ.
Theo ông Trương Ðình Hòe, để tháo gỡ nút thắt cho xuất khẩu thủy sản năm 2023, các doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai các biện pháp: chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm; tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do; tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng. Về lâu dài, VASEP kiến nghị Chính phủ và địa phương một số nhóm vấn đề như duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu; phát triển hệ thống logistics; tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam; khơi thông và phát triển thị trường…
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngành Thủy sản vùng ÐBSCL phát triển ổn định trước những mối nguy về ô nhiễm môi trường, mầm bệnh, biến đổi khí hậu cần chủ động ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Ðồng thời, tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất và tốt nhất vào tất cả công đoạn của quy trình nuôi và chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Trong đó, chú trọng áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP, BRC, Global GAP, IFS, ASC… theo yêu cầu của từng thị trường.