Thời gian qua, công tác triển khai, cụ thể hoá thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và các chính sách, pháp luật liên quan về trẻ em được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện mang lại hiệu quả. Trong đó, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trọng tâm là phòng chống đuối nước, công tác tuyên truyền giáo dục chính sách, pháp luật về trẻ em được chú trọng. Một số địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện khá tốt nội dung các biện pháp về bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em.
Tuy nhiên, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), thực tế đã qua cho thấy từng lúc, từng nơi việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình trong công tác bảo vệ trẻ em chưa tốt. Một số địa phương thực hiện 3 cấp độ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao cho trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Công tác truyền thông, giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ trẻ em hiệu quả chưa cao.
Thiếu hụt về cơ sở vật chất, trong đó hồ bơi là chủ yếu, đã làm công tác dạy bơi cho trẻ em chưa đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên. |
Vấn đề này dẫn đến hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Theo thống kê, từ năm 2016 đến cuối năm 2022 có 185 trẻ em tử vong do đuối nước. Những tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 7 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước.
Theo phân tích của Sở LÐ-TB&XH, ngoài nguyên nhân do đặc điểm địa hình Cà Mau có nhiều kênh, rạch, sông ngòi và ven biển… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ em, còn các nguyên nhân thuộc về chủ quan, như các em có cha, mẹ đi làm ăn xa, ở cùng ông bà, người thân lớn tuổi, thiếu sự giám sát trông coi. Hơn nữa, các em trong độ tuổi hiếu động, chưa được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, chưa nhận biết hết các nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn đuối nước.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, cho biết: “Một nguyên nhân nữa cần phải nhìn nhận, cũng là hạn chế của địa phương, đó là vấn đề cơ sở vật chất. Việc thiếu hụt cơ sở vật chất, trong đó hồ bơi là chủ yếu, dẫn đến công tác dạy bơi cho trẻ em chưa đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên”.
Về cơ sở vật chất, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 51 hồ bơi, phân bố tại 40/101 xã, phường, thị trấn. Trong đó, hồ bơi do tổ chức doanh nghiệp tư nhân đầu tư là 22 hồ, tại các điểm trường tiểu học và THCS là 29 hồ (tại 29/335 điểm trường). Qua rà soát, đa số hồ bơi hiện có trên địa bàn tỉnh là từ nguồn xã hội hoá. Các con số này cho thấy số lượng hồ bơi rất khiêm tốn được đầu tư trong thời gian qua. Thêm nữa, hiện nay một số hồ tại các điểm trường đang xuống cấp, ngưng sử dụng.
Ðiều này dẫn đến việc trang bị kiến thức kỹ năng an toàn phòng chống rủi ro tai nạn đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là trong trường học chưa được thường xuyên. Môi trường văn hoá, chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh các cấp còn hạn chế, chưa có giải pháp đồng bộ từ nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội. Chưa có cơ chế quy định bắt buộc đưa môn bơi lội vào giảng dạy ngoại khoá và chính khoá trong các trường tiểu học, THCS nên chưa có ràng buộc trách nhiệm gia đình.
“Ðể thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, giảm thiểu trẻ em tử vong do đuối nước, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; khuyến khích xã hội hoá các hoạt động phục vụ chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em. Do đó, việc cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Cà Mau là thật sự cần thiết trong bối cảnh hiện tại”, bà Nguyễn Thu Tư cho biết thêm.
Ðược biết, từ thực tế đặt ra, địa phương đang trong quá trình xây dựng nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí học bơi cho trẻ em và tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư bể bơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Mục tiêu việc ban hành nghị quyết này là nhằm thể hiện sự quan tâm của Ðảng, chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em mang tính chiến lược, thường xuyên và lâu dài. Cùng với đó là xây dựng môi trường sống an toàn, đảm bảo các điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện. Phấn đấu đến năm 2030 có trên 90% trẻ em trong độ tuổi từ 6-16 biết bơi./.
Nghi Ðình