DNVN – Trong lúc chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý thị trường vàng sửa đổi có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần có động thái để ổn định giá vàng. Nếu không, giá vàng sẽ tiếp tục xô đổ nhiều kỷ lục.
Ngày 12/3, giá vàng miếng SJC tiếp tục phá đỉnh lịch sử, lên đỉnh mới 82,5 triệu đồng/lượng. Tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), dòng người xếp hàng từ trong quầy giao dịch ra tận cửa của cửa hàng kinh doanh vàng để mua bán. Thậm chí, có cửa hàng, khách đứng tràn cả ra vỉa hè vì bên trong không còn chỗ.
Điều này không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia thời gian gần đây. Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, không ai biết được kỷ lục cuối cùng của giá vàng là bao nhiêu.
Người dân xếp hàng mua vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng, xô đổ nhiều kỷ lục trước khi có chính sách can thiệp thị trường vàng của cơ quan quản lý Nhà nước. Nguyên nhân là do giá vàng thế giới đang được dự báo còn dư địa tăng trước kỳ vọng khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới lỏng lãi suất sớm so với các ngân hàng trung ương toàn cầu (qua 4 lần hạ lãi suất từ tháng 4/2023) đã tạo sóng dịch chuyển vốn đầu tư lớn. Dòng tiền dịch chuyển phân bổ vào những kênh tài sản có giá trị tăng, trong đó có vàng.
Bởi vậy, theo ông Nghĩa, chỉ khi cơ quan quản lý có chính sách can thiệp, tăng nguồn cung vàng miếng, giá vàng mới đảo chiều giảm. Hay nói cách khác, giá vàng trong nước thời gian tới sẽ chịu tác động mạnh từ việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý thị trường vàng (Nghị định 24). Nếu muốn đầu tư vàng, nhà đầu tư và người dân không nên nóng vội.
Trong lúc chờ Nghị định 24 sửa đổi có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý không thể “khoanh tay đứng nhìn” giá vàng liên tục biến động, mà cần có động thái để ổn định giá vàng.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng trong nước đang nhận được “cú hích” từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Cùng với đó là xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Trong nước, Việt Nam chưa cho phép được nhập khẩu vàng cũng là yếu tố khiến cho giá vàng tăng vọt. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.
“Phía cơ quan quản lý có thể kiểm soát bằng cách giới hạn số lượng nhập khẩu. Không cho nhập khẩu vàng tràn lan để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và tạo nguồn cung dồi dào. Không cho nhập khẩu vàng không giải quyết được vấn đề mà điều quan trọng là phải cân bằng cung – cầu”, ông Khánh khuyến nghị.
Các chuyên gia khuyến nghị không cho nhập khẩu vàng tràn lan để tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
Mặt khác, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân – giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước phải tăng nguồn cung bằng cách cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, hoặc nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Từ đó, giá vàng có thể giảm xuống.
Đồng thời, để không mất lượng ngoại hối, cơ quan quản lý có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước. Điều này sẽ giúp hạn chế việc nhập khẩu vàng và đáp ứng được nguồn cung.
Mới đây, để ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp vàng, trong bối cảnh giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới, cơ quan thuế đã vào cuộc nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra mua bán vàng.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng, bạc, đá quý để kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng nhưng không kê khai thuế. Phát hiện có hay không sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra và xử lý.
Hoài Anh