Một trong những vấn đề được đoàn giám sát đưa ra là “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa (SGK) của Nhà nước. Đại diện cho Chính phủ, cũng như ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát bỏ nội dung này khỏi nghị quyết, với nhiều lý do, trong đó nổi bật là việc này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGL, đồng thời gây ra những phức tạp, tốn kém không cần thiết.
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, ĐBQH, cô giáo Hà Ánh Phượng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Theo bà Phượng, ngay từ khi bắt đầu đổi mới, Bộ GD&ĐT đã tập hợp và chỉ đạo đội ngũ chuyên gia, nhà giáo xây dựng khung chương trình, từ đó làm căn cứ để cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Hiện nay, tất cả các môn học ở cả ba cấp học đều đã có sách, như vậy Bộ GD&ĐT không cần phải biên soạn thêm một bộ SGK nữa, đỡ tốn kém cho ngân sách Nhà nước.
Về giá, dù không có một bộ SGK của Bộ, cũng hoàn toàn không phải lo ngại. Bởi, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Giá (sửa đổi). Luật đã có quy định về giá trần vì SGK là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
Một lý do nữa cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra, nếu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK sẽ làm ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa đã được nêu tại Nghị quyết 88 trong việc biên soạn và phát hành SGK. Tôi đồng tình với điều này.
“Với việc có thêm một bộ SGK của Bộ, tôi e rằng sẽ tái diễn tình trạng “độc quyền” trong cung cấp SGK bởi tâm lý an toàn khi lựa chọn của các địa phương. Điều này sẽ đem tới lo ngại cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác, vì thấy chính sách thay đổi thất thường, môi trường đầu tư không ổn định”, bà Phượng nói.
Bà Phượng cũng cho rằng việc sử dụng nhiều bộ SGK giúp học sinh tiếp cận đa chiều thông tin và ý kiến khác nhau về cùng một chủ đề. Các em được khuyến khích suy nghĩ, so sánh, phân tích và đưa ra quan điểm riêng dựa trên các nguồn thông tin khác nhau. Điều này, giúp học sinh phát triển khả năng tư duy phản biện, phân tích sự đa dạng và đánh giá thông tin một cách khách quan.
“Ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Phần Lan, theo tôi được biết cũng không tồn tại “đồng phục sách giáo khoa”. Vậy nên, ý nghĩa của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK đó chính là việc lấy chương trình làm gốc, chương trình là pháp lệnh, SGK và các học liệu khác là tài liệu tham khảo”, bà Phượng chia sẻ và cho rằng việc đa dạng SGK sẽ phù hợp với các vùng miền, địa phương hơn.
Xoay quanh vấn đề nên hay không nên có thêm một bộ SGK, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, Thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt – Ngữ văn cho biết, công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông đã trải qua gần 10 năm. Nghị quyết 29 khẳng định đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở và linh hoạt, biên soạn SGK, tài liệu dạy học phù hợp với từng đối tượng. Còn Nghị quyết 88 nêu rõ thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK.
Có một số SGK cho mỗi môn học, khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 cũng nêu rõ, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức và cá nhân biên soạn.
Và cho đến nay, 2 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam và 1 bộ sách của công ty Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (Vepic) đã được biên soạn xong 12 lớp. SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 chuẩn bị đưa vào nhà trường trong năm học tới. Và SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 cũng đang dần hoàn tất quá trình thẩm định.
“Như vậy, nỗi lo biên soạn SGK không kịp tiến độ hay không đầy đủ tất cả các môn học là không còn nữa. Vì vậy, việc tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ vào thời điểm này là không cần thiết”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Ông Hùng phân tích, nếu biên soạn một bộ SGK như thế sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Trước mắt, 3 bộ SGK được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có thể là hàng ngàn tỷ đồng, công sức của hàng ngàn tác giả SGK, quy tụ hầu hết những người có khả năng biên soạn SGK mới của Việt Nam hiện nay có nguy cơ bị xóa dần.
Hậu quả lớn hơn là quay trở về với cách thức vận hành chương trình cũ mà thế giới đã bỏ qua từ lâu và chúng ta cũng mất gần 10 năm mới chuẩn bị được các cơ sở pháp lý, chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để từng bước thoát ra.
“Nếu như lần này quay trở về với chính sách một chương trình một SGK thì có thể khẳng định là không bao giờ còn có cơ hội hội nhập với thế giới về lĩnh vực chương trình, SGK nữa. Những người mong chờ vào sự đổi mới căn bản toàn diện cho nền giáo dục phổ thông của Việt Nam thực sự lo lắng về kế hoạch biên soạn một bộ SGK mới. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cũng sẽ rất bị động nếu phải thực hiện đề nghị này”, ông Hùng trăn trở.
“Dạy tích hợp có gì sai mà phải sửa?”
Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận dạy tích hợp là điểm “vướng, nghẽn, khó”, cho biết khả năng cao sẽ điều chỉnh việc dạy.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, dạy tích hợp là chủ trương đúng, nhưng thiếu cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện hiệu quả.
Theo chương trình mới, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, mà học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn.
“Tôi rất tiếc nếu môn tích hợp bị tách về các môn đơn lẻ”, bà Thơ chia sẻ và cho biết ở Việt Nam, từ những năm 50 của thế kỷ trước, dạy tích hợp đã xuất hiện thông qua khẩu hiệu “học đi đôi với hành”. Sở dĩ như vậy bởi khi thực hành, chúng ta không bao giờ sử dụng kiến thức đơn môn mà phải kết hợp liên môn.
Trên thực tế, nhiều kiến thức ở bậc phổ thông được thể hiện dưới dạng liên môn. Khi được dạy tích hợp, học sinh có cái nhìn toàn diện, biết cách ứng dụng kiến thức vào đời sống một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trải nghiệm. Tựu trung, học sinh học tích hợp sẽ được cung cấp bối cảnh đầy đủ, toàn diện để hiểu về từng sự việc.
Đây là lợi ích không thể chối cãi của dạy tích hợp. Đưa tích hợp vào chương trình mới là chủ trương đúng đắn.
“Tôi thấy rằng tích hợp có gì sai mà phải sửa? Cái cần sửa là những điều chưa đúng khi thực hiện dạy tích hợp”, bà Thơ chia sẻ.
Hải Sơn