NHNN cân nhắc nghiên cứu, thí điểm tín chỉ vàng
Sáng 8/7, tại tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế”, ông Phạm Xuân Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện tượng “vàng hóa” xảy ra khi người dân không có niềm tin vào đồng tiền mà dùng vàng để mua bán, trao đổi hàng hoá. Các ngân hàng thương mại được phép huy động, thậm chí cho vay vàng trên bảng cân đối.
Việc vàng hoá dẫn đến hệ luỵ chảy máu ngoại tệ nhập do lậu vàng qua biên giới. Đồng thời khiến việc điều hành tỉ giá trở nên khó khăn bởi nhập khẩu vàng phải xuất ra ngoại tệ, khiến dự trữ ngoại hối khó giảm, tác động đến toàn bộ nền kinh tế vĩ mô.
Ông Hoè cho rằng, Nghị định 24 ra đời vào thời điểm năm 2012 là rất đúng đắn để giải quyết câu chuyện vàng hóa trong bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, góp phần kìm giữ lạm phát rất tốt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Nghị định 24 sửa đổi cần xóa bỏ câu chuyện độc quyền vàng miếng SJC, không thể có câu chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đá bóng vừa thổi còi.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng nhận định việc sửa đổi Nghị định 24 là bức thiết. Đồng thời, NHNN nên xem xét xây dựng sàn vàng vật chất để điều tiết quản lý.
Ngoài ra, cũng cần thành lập, xây dựng sandbox thí điểm các sàn giao dịch vàng để người dân có thể kinh doanh trên đó. Thực tế hiện nay, khi không có sàn giao dịch vàng, nhiều người dân đã bị lôi kéo, mất rất nhiều tiền vào các ứng dụng giao dịch lừa đảo trên không gian mạng.
Bổ sung thêm ý kiến của ông Hà, để quản lý các sàn giao dịch vàng một cách có hiệu quả, theo ông Phạm Xuân Hoè, cần có Nghị định khung bài bản, có thể thí điểm trong vòng từ 3 -5 năm rồi tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm.
Về cơ chế cơ chế thanh toán, cần có những tổ chức đầu tàu tham gia vào câu chuyện kinh doanh vàng trên thị trường. Đơn cử tại Việt Nam, các ngân hàng giỏi nghiệp vụ phái sinh hay các công ty chứng khoán sẽ hướng dẫn nhà đầu tư, người dân chưa có kiến thức để họ có thể đầu tư bài bản, bớt rủi ro, lợi nhuận ít nhưng chắc.
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh, NHNN cũng cân nhắc nghiên cứu, thí điểm tín chỉ vàng (ETF) trong dân. Nghĩa là NHNN sẽ phát hành tín chỉ vàng thay vì đưa trực tiếp vàng đến tay người dân như hiện nay. Khi cần thiết, người dân có thể đem tín chỉ vàng đến NHNN để quy đổi ra tiền.
Đồng thời cân nhắc việc trả lãi suất cho người dân, qua đó khuyến khích họ đem vàng đến gửi, giúp việc tính toán được lượng vàng trong dân hiệu quả hơn.
Không thể đánh thuế một cách vô tội vạ
Thời gian qua, để bình ổn thị trường vàng trong nước, NHNN đã triển khai nhiều chính sách về quản lý, giám sát thị trường. Trong đó có yêu cầu các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hoá đơn điện tử trong mua bán vàng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, quy định trên hỗ trợ chống trốn thuế, thất thu thuế, ghi lại chứng cứ phòng chống rửa tiền trên hệ thống dữ liệu.
Về phía ông Phạm Xuân Hoè, ông cho rằng nếu chỉ quy định thanh toán không dùng tiền mặt, hoá đơn vàng là chưa đủ.
“Trong dài hạn, mọi công dân thu nhập, mua bán thế nào nào đều cần kê khai minh bạch. Ước tính nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tiền mặt 9-11% trên tổng phương tiện thanh toán, tương đương 1,4 – 1,6 triệu tỷ đồng. Chúng ta cần tiến tới nền kinh tế có tỉ lệ tiền mặt thấp hơn thì mới có thể kiểm soát được. Đồng thời, các bộ ngành nên có cơ sở dữ liệu dùng chung. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình bởi ai sẽ đứng ra tích hợp dữ liệu toàn nền kinh tế và làm thế nào để xử lý được lượng dữ liệu khổng lồ như vậy?”, ông Hòe đặt vấn đề.
Gần đây, có nhiều chuyên gia cho rằng nên đánh thuế giao dịch vàng để chống đầu cơ. Ông Nguyễn Văn Phụng – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nêu nhận định, mục đích để chống vàng hóa nền kinh tế, để người dân bỏ tiền ra lưu thông là rất tốt nhưng không thể đánh thuế một cách vô tội vạ được.
Đánh thuế phải dựa trên cơ sở kinh tế và phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần có cái nhìn toàn cảnh và phải đặt lợi ích của 100 triệu dân lên hàng đầu.
“Chính sách được đưa vào phải giúp sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo ra dòng chảy tài chính và nguồn lực cho nền kinh tế, chứ không phải bổ sung thêm chính sách thuế mới lại khiến người dân tiếp tục ôm tiền đi mua vàng để dự trữ.
Điều quan trọng là quản lý thế nào để cân bằng về thuế, không thất thu, mất mát, công bằng giữa người bán và người mua. Tránh việc bán 100 cây vàng nhưng chỉ khai báo thuế 20 – 30 cây. Nếu trốn về doanh số là có lỗi với người dân, trốn về thu nhập là có lỗi với Nhà nước”, ông Phụng nêu.
Ông Phụng đánh giá, dù hiện nay, ngành thuế đang rất cố gắng nỗ lực nhưng năng lực có hạn. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, các cơ quan Nhà nước cần cùng hợp tác, chia sẻ thông tin dữ liệu để quản lý nắm bắt, doanh số giao dịch vàng.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/danh-thue-giao-dich-vang-can-dat-loi-ich-cua-nguoi-dan-len-hang-dau-a671941.html