Báo cáo tổng thể nguồn lực cải cách tiền lương
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025…
Phát biểu thảo luận, về kỷ luật quản lý tài chính ngân sách, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cần tiếp tục quản lý chặt chẽ ngân sách, chỉ ban hành chính sách tăng chi ngân sách Nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo, hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng chuyển nguồn có xu hướng tăng cao.
Các khoản chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán, kiểm soát đồng thời đảm bảo các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả.
Nghiên cứu sửa đổi các quy định đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương về nguồn thu và thực hiện nhiệm vụ chi của quốc gia. Đẩy mạnh việc phân cấp, tạo sự chủ động cho ngân sách địa phương.
Về nợ công, đại biểu đề nghị quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn. Trong bối cảnh nhiều biến động khó lường, cần tiếp tục tăng tỷ lệ dự phòng ngân sách. Đồng tình với giải pháp của Chính phủ là bố trí vốn đủ thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản.
“Tuy nhiên, trong báo cáo rà soát số liệu, tôi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát để bố trí đủ vốn đảm bảo thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo yêu cầu”, bà Lan nói.
Về phân bổ vốn, bà Lan đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong việc trình Quốc hội phân bổ nhiệm vụ chi 70.000 tỷ đồng, trong đó, kinh phí thường xuyên là trên 57.000 tỷ đồng và số xem xét phân bổ rất thấp so với tổng số chi thường xuyên chưa được phân bổ.
Nhiều nội dung chi liên quan đến chính sách con người như: Hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong khi thời gian thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ còn hai tháng.
“Đề nghị phân tích đầy đủ các nguyên nhân, kết quả thực hiện trong chính sách an sinh xã hội năm 2022-2023 thấp hơn định mức phân bổ chi thường xuyên để có giải pháp quản lý ngân sách”, bà Lan nêu ý kiến.
Về chính sách tiền lương, đại biểu đoàn Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công chức cấp cơ sở, cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản.
Đề xuất tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương
Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.
Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2004, đại biểu nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương.
Tuy nhiên, ông Nam cho hay, trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do Trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp.
“Đến nay, một số chính sách, chế độ mới do Trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, điều này gây áp lực cho các địa phương rất lớn. Ông viện dẫn, chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ và nay được thay thế tại Nghị định 33, người hoạt động ở thôn bản, tổ dân phố có không quá 3 chức danh, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng ban công tác mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng; Trường hợp luật có quy định khác, thực hiện theo quy định của luật đó.
Theo đó, Ngân sách Trung ương đã xây dựng mức khoán để đảm bảo cho 3 chức danh nêu trên. Đối với các chức danh còn lại như: Thôn đội trưởng, công an viên, y tế thôn bản, ban bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng không thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư. Tuy nhiên, các văn bản quy định chế độ chính sách của các chức danh này đang còn hiệu lực.
“Để đảm bảo ổn định chế độ chính sách cho các lực được Chính phủ quy định, văn bản đang còn hiệu lực, ngân sách địa phương đang phải bố trí để duy trì, nhằm ổn định an ninh trật tự ở cấp xã và khu dân cư”, ông Nam cho hay.
Về chính sách tăng lương ở mức cơ sở, theo ông Nam nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở như: Chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế do cấp huyện cấp tỉnh đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo tỉ lệ giáo viên đứng lớp;
Hay chính sách chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chính sách chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Hội đồng Nhân dân các cấp. Mặt khác, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, nhiều cán bộ dôi dư phải có chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong…
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự đoán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ Ngân sách Trung ương.