(ĐCSVN) – Ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Với sự quan tâm của Chính phủ thông qua các chính sách như Quyết định 319/QĐ-TTg năm 2018, ngành cơ khí được xác định là nền tảng, then chốt trong chuỗi sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này còn hạn chế, đặc biệt trên thị trường quốc tế.
Tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí” (Ảnh: K.D) |
Những năm qua, ngành cơ khí đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, như tăng tỷ lệ nội địa hóa và tự chủ trong thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo, và tự động hóa.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/12, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí nhận định: “Doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ lắp ráp ô tô đến thiết bị thủy điện. Điều này khẳng định người Việt hoàn toàn có khả năng thực hiện những công việc khó mà trước đây thuộc về các nhà thầu nước ngoài”.
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chia sẻ: “Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng hệ thống cụm công nghiệp lớn, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu dài hạn, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chính sách cụ thể và hiệu quả hơn”.
Hoạt động phát triển và mở rộng thị trường cho sản phẩm cơ khí diễn ra trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Trong nước, các khu vực tập trung công nghiệp hỗ trợ, như Hà Nội và các tỉnh lân cận là trung tâm của hoạt động sản xuất và gia công cơ khí. Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực khai thác các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và Úc.
Theo ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế của Smart Việt Nam: “Việc đa dạng hóa thị trường là chiến lược cốt lõi của chúng tôi. Từ việc tập trung vào Nhật Bản, giờ đây Smart đã mở rộng sang các thị trường lớn hơn như Mỹ và Úc, nơi có nhu cầu cao và ít rủi ro hơn”.
Thời điểm hiện tại được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là “thời điểm vàng” để ngành cơ khí bứt phá. Nhu cầu trên thị trường quốc tế tăng cao, cùng với làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
TS. Phan Đăng Phong nhận định: “Với việc áp dụng các Hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính với yêu cầu cao về chất lượng”.
Ngành cơ khí không chỉ là trụ cột của nền công nghiệp mà còn là yếu tố then chốt để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thiết bị công nghiệp, điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nguồn lực, và phát triển thị trường.
Theo TS. Phan Đăng Phong: “Nếu chúng ta không làm chủ công nghệ và thiết kế, chúng ta sẽ luôn ở vị trí bị động trong chuỗi cung ứng. Điều này khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế cạnh tranh về giá thành và chất lượng”.
Ông Nguyễn Đức Cường cho rằng: “Để đạt được mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, chúng ta cần đi từ các chính sách hỗ trợ thiết thực, đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Đồng thời, việc tổ chức các triển lãm thương mại quốc tế là rất cần thiết để quảng bá sản phẩm”.
Ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, từ việc làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực nội tại, đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự đồng hành của Chính phủ, các hiệp hội ngành hàng, và chính các doanh nghiệp. Với chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt, ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/can-da-dang-hoa-thi-truong-va-phat-trien-san-pham-co-khi-685919.html