Trong buổi giao lưu chiều ngày 7.10, tại ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Klaus Schwab, nhà sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF đã chia sẻ với các sinh viên đến từ nhiều trường ĐH trên địa bàn Hà Nội về bức tranh tổng quan mà trong đó bao gồm các lực lượng đang định hình thế giới. Theo GS Schwab, bên cạnh giấc mơ trở thành doanh nhân, giấc mơ khởi nghiệp, các bạn trẻ đừng quên công nghệ lõi vì đây là yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh, hệ sinh thái doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của công nghệ lõi
GS Klaus Schwab cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã thiết lập một thế giới mới, đưa chúng ta tới kỷ nguyên số. Kỷ nguyên số này sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện, thay đổi về mô hình kinh doanh, thay đổi về tính cạnh tranh của các quốc gia. Trong đó, những công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thâm nhập hết vào các hoạt động hiện nay. AI mang lại cơ hội mới về tài chính, dịch vụ, hành chính, những lĩnh vực thiên về đổi mới sáng tạo. Như vậy, các bạn trẻ cần phải làm gì để chuẩn bị cho bản thân bước vào kỷ nguyên mới?
Theo Schwab, một số yếu tố mà các bạn trẻ cần chú ý trong hành trình chuẩn bị cho tương lai gồm: cơ sở hạ tầng, tài nguyên về con người, hệ sinh thái kinh doanh, hợp tác công tư.
GS Schwab nói: “Các bạn trẻ, các bạn hãy cố gắng không chỉ làm cho doanh nghiệp lớn. Tôi muốn biết trong số các bạn ở đây có ai mơ ước trở thành doanh nhân, nhà khởi nghiệp? (một số sinh viên giơ tay – PV). Có lẽ điều chúng ta cần là công nghệ lõi để thúc đẩy việc này. Tôi được biết Việt Nam có kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới. Đây sẽ là điều quan trọng giúp Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội mới”.
Trả lời câu hỏi “Nếu cần phải chọn thì Việt Nam nên ưu tiên 5 lĩnh vực công nghệ nào”, GS Schwab cho rằng cần có tư duy hệ thống thay vì những lựa chọn riêng lẻ. Khi chúng ta nói về cách mạng công nghiệp 4.0 thì chúng ta không chỉ nói đến một công nghệ cụ thể nào mà nói đến nhiều công nghệ khác nhau, các công nghệ đều có sự gắn kết mật thiết với nhau.
Chẳng hạn, lĩnh vực máy học phụ thuộc rất nhiều vào quản lý dữ liệu lớn, mà quản lý dữ liệu lớn lại có sự liên kết với lĩnh vực kết nối (công nghệ 5G hiện nay là công cụ rất hiệu quả tạo điều kiện phát triển cho hệ sinh thái công nghệ nói chung), hay công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây là những biện pháp thúc đẩy giao dịch và ngược lại, những lĩnh vực này có liên kết với trí tuệ nhân tạo (AI).
Sự liên kết chặt chẽ không chỉ là giữa các công nghệ với nhau mà còn giữa các vật thể, chủ thể, giữa con người với con người… Nói đến công nghệ sinh học chẳng hạn, sẽ rất quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường. Hay công nghệ về gen. Những công nghệ này đều có sự liên kết với trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: ‘Giới trẻ Việt Nam cần trang bị kiến thức, kỹ năng mới để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ’
“Tất nhiên, nếu nói về sự ưu tiên thì AI đang có một vị trí rất quan trọng. Nhưng chúng ta phải nghĩ tới mô hình hệ thống chứ không phải từng chủ thể riêng lẻ. Chúng ta phải xây dựng được một hệ thống kiến thức để qua đó tận dụng được tối đa lợi thế được cung cấp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, GS Schwab nói.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Một vấn đề được GS Schwab đặt ra với mong muốn được các bạn trẻ, với tư cách là chủ nhân của kỷ nguyên mới, quan tâm để giải quyết thấu đáo, là xanh hóa khi ứng dụng công nghệ thông minh. Nghĩa là con người phải kiểm soát được những thay đổi, tác động của môi trường trong quá trình phát triển. Nhận thức này cần được lan tỏa trong khối doanh nghiệp, bởi “xanh hóa” đương nhiên cũng mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, giúp họ tăng khả năng cạnh tranh (ví dụ dùng năng lượng sạch thì có tính cạnh tranh hơn so với năng lượng cũ). “Xanh hóa không phải là một lựa chọn mà là bắt buộc”, GS Schwab nói.
Một mong muốn khác được GS Schwab gửi tới các bạn sinh viên là tạo sự chuyển biến về môi trường, xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. “Tôi đã thấy được trong những kế hoạch cụ thể của Chính phủ Việt Nam sự lưu tâm, nỗ lực thu hẹp khoảng cách đô thị – nông thôn. (…) Những động lực thay đổi xã hội cũng có thể được thúc đẩy bởi công nghệ, bởi các ngành dịch vụ, kinh tế, y tế, giáo dục. Chúng ta phải đảm bảo rằng tận dụng được mọi nguồn lực, tiềm năng này để thúc đẩy việc phát triển”, GS Schwab nói.
Cũng theo GS Klaus Schwab, chúng ta đang sống trong thế giới nhiều thay đổi, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong quá trình thích ứng với sự thay đổi đó. “Tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam phản ứng lại rất lạc quan. Sự lạc quan này là cơ hội lớn để các bạn xây dựng tương lai cho Việt Nam. Các bạn hãy thành công! Nhưng các bạn cần phải hiểu các bạn là một thành phần của cộng đồng, của Việt Nam, của thế giới. Nên thành công của mỗi người không chỉ đơn giản ở cấp độ cá nhân mà còn được đánh giá qua đóng góp của các bạn với tư cách là thành phần của một quốc gia và của thế giới nói chung”, GS Schwab chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chu-tich-dien-dan-kinh-te-the-gioi-can-cong-nghe-loi-cung-uoc-mo-khoi-nghiep-185241007223032455.htm