Theo đó, nhằm mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề cho thị trường bán lẻ điện sau này, dự thảo Luật đã bổ sung “hợp đồng kỳ hạn điện”. Đặc trưng của thị trường điện cạnh tranh là giá điện trên thị trường giao ngay biến động rất nhanh theo từng chu kỳ giao dịch (hiện nay là 30 phút) và hợp đồng kỳ hạn điện chính là “công cụ” cần thiết để bên bán và bên mua quản lý rủi ro trước các biến động liên tục của giá điện trên thị trường này.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện với 2 hình thức: qua đường dây tư nhân kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch, góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững nguồn điện. Cùng với đó, ban soạn thảo đã thiết kế các quy định về hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và bên mua điện, hợp đồng mua buôn điện và hợp đồng dịch vụ phụ trợ; bổ sung trường hợp hợp đồng mua bán điện được các bên thỏa thuận ký kết thông qua đấu thầu… Đồng thời, sửa đổi thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá (bán lẻ điện), theo đó Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá thay vì Thủ tướng như hiện hành; bổ sung quy định về giá tạm thời giữa bên bán điện và bên mua điện…
Theo quy định tại Luật Điện lực và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng, thị trường điện cạnh tranh được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1); thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2); thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3). Tuy nhiên, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực giai đoạn 2016 – 2021 cho thấy việc triển khai lộ trình thị trường điện cạnh tranh đang rất chậm so với tiến độ đã được quy định.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành năng lượng, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được vận hành từ năm 2019, đến nay đã đạt được một số mục tiêu như: cơ bản bảo đảm an ninh năng lượng giai đoạn 2012 – 2022; thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài tham gia thị trường điện; bước đầu phát triển bền vững cơ cấu nguồn điện… Tuy vậy, thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh với mức độ tham gia thực sự vào thị trường điện còn thấp. Việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thuộc Quy hoạch điện chậm tiến độ và không cân đối. Cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành chưa tính đúng, tính đủ, kịp thời theo thay đổi chi phí đầu vào cùng với các thành phần khác. Thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như lộ trình đã được duyệt. Chúng ta vẫn chưa có thị trường bán buôn điện đúng nghĩa, vẫn chỉ là thị trường cạnh tranh về phát điện, vì các đơn vị mua buôn điện để cung cấp dịch vụ bán lẻ điện vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam, còn chủ yếu độc quyền trong mua buôn và bán lẻ điện.
Thị trường điện cạnh tranh là hướng đi đúng đắn, cần tiến hành khẩn trương để làm tiền đề phát triển bền vững kinh tế – xã hội đất nước. Định hướng này Bộ Chính trị đã nêu rõ trong Nghị quyết số 55-NQ/TW về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Vì thế, sửa đổi Luật Điện lực lần này cần tạo ra cơ sở pháp lý đủ mạnh để phát triển thị trường điện cạnh tranh. Trong đó, cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện đáp ứng lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ đáp ứng lộ trình phát triển thị trường điện. Cùng với đó, cần xem xét, trao thẩm quyền nhiều hơn cho Chính phủ, các cơ quan quản trị ngành năng lượng, điện lực để điều chỉnh, cập nhật các quy định điện lực kịp thời với thay đổi nhanh chóng của thực tế…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/can-co-so-phap-ly-du-manh-de-cai-cach-thi-truong-dien-i385466/