Dư nợ tín dụng xanh cần tăng thêm

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ bởi chính những lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội, tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm tác động tiêu cực cho môi trường.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình xanh hóa của nền kinh tế. 

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.

Tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

điện gió.jpg
Ngân hàng ‘rót’ vốn nhiều cho các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Thạch Thảo

Tại Tọa đàm “Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững” do Thời báo Ngân hàng tổ chức mới đây, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng hiện dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng hơn 22%/năm, tuy nhiên con số này vẫn cần tăng thêm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, trong tài chính xanh có trái phiếu xanh còn phát triển rất chậm, cần được Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm hơn. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam mới ban hành 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

“Cơ hội tài chính xanh đến từ nhu cầu rất lớn từ nhà đầu tư, người tiêu dùng. Thách thức đến từ nhận thức, sự vào cuộc các bên liên quan; tiêu chí tiêu chuẩn cần công bố rõ ràng; nguồn lực tài chính đa số trung dài hạn (10-15 năm)”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank – nhiều năm qua, Agribank tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước và phát triển chương trình khí sinh học;…

Để triển khai hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, đại diện Agribank cho rằng ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải.

Nhiều ngân hàng cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến tín dụng xanh, trong đó VietinBank vừa công bố xây dựng  thành công Khung Tài chính Bền vững (Sustainable Finance Framework – SFF) để đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho việc tài trợ và quản lý các khoản tài trợ phát triển bền vững của ngân hàng, góp phần thực hiện cam kết đồng hành cùng Chính phủ và khách hàng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Giai đoạn 2018-2022, tài chính bền vững của VietinBank ghi nhận mức tăng trưởng 100%. Năm 2024, ngân hàng này ra mắt gói tín dụng xanh trị giá 5.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi lãi suất và phí dành cho các phương án/dự án đáp ứng các tiêu chí bền vững.

Mệnh lệnh từ thị trường

Đánh giá về thực tế và thách thức trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế – TS. Võ Trí Thành cho rằng, “xanh” là một cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh, lối sống, đầu tư và kể cả về pháp lý. 

Phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn; từ chính yêu cầu của các nước phát triển; từ tài chính, không xanh không cho vay.

“80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) mới cấp vốn. Mệnh lệnh này là rất cấp bách. Với doanh nghiệp, không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh”, TS. Thành nói.

Tuy nhiên, hai thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là chi phí chuyển đổi và áp lực từ thị trường. 

Tại tọa đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, khẳng định bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam đòi hỏi phải có thêm động lực từ việc mở đường cho các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế tuần hoàn. 

Sự quan tâm và triển khai của doanh nghiệp chính là minh chứng cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mang lại lợi ích kinh tế, chứ không chỉ lợi ích về xã hội, môi trường.

Việc hoàn thiện khung chính sách và pháp lý để doanh nghiệp thực hiện các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. 

Cho vay tín dụng xanh đạt dư nợ gần 637 nghìn tỷ đồngĐến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.