Hội thảo dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Hoàng Giang – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và PGS.TS trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, tài nguyên thiên nhiên, trong đó liên quan đến địa chất như trượt lở, sụt lún, động đất, sạt lở, xói lở bờ sông bờ biển,… đã và đang gây ra những thiệt hại rất lớn về tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nhiều năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển hiện tại đang diễn ra rất phức tạp có xu hướng gia tăng cả về phạm vi lẫn quy mô. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, đánh giá hiện trường và có những chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tác động của thiên nhiên.
Tại Tây Nguyên, chỉ trong tháng 7 và tháng 8 năm 2023, đã xảy ra hàng loạt những vụ sạt lở, nứt đất, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CN) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đoàn khảo sát nhằm đánh giá sơ bộ hiện trạng, nguyên nhân làm căn cứ cho các đề xuất, định hướng nghiên cứu tiếp theo. Từ đó, Viện đã có những nghiên cứu tiên phong trong việc đánh giá về thiên tai qua hơn 30 năm nghiên cứu, đồng thời xây dựng được cơ sở hệ thống pháp luật, phương pháp nghiên cứu nhằm đánh giá được nguy cơ tai biến, giám sát và tiến tới cảnh báo sớm, cảnh báo gần với thời gian thực. Hội thảo cũng là dịp để đánh giá, trao đổi những kết quả đã đạt được tiến tới đề xuất các nhóm vấn đề, nhiệm vụ đột phá về phương pháp, công nghệ phát hiện, giám sát cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tai biến thiên nhiên tại ĐBSCL và Tây Nguyên nói riêng và trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung.
TS. Trần Quốc Cường – Trưởng Đoàn công tác Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã báo cáo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng tình hình trượt lở, nứt đất ở khu vực phía nam Tây Nguyên thuộc các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, qua đó, cho thấy hiện trạng tai biến trượt lở tại Hồ thuỷ lợi Đắk N’ting tại sườn đồi vai phải của đập là khối trượt phát triển trên khối trượt cổ, được coi là một trong những khối trượt có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tượng trượt lở, nứt đất xảy ra đã uy hiếp an toàn của đập và hệ thống công trình đầu mối, gây nguy cơ vỡ đập, ảnh hưởng tới hạ lưu, đặc biệt khi có mưa, khối trượt theo dự tính sẽ tiếp tục phát triển, tương tự với Hồ thuỷ lợi Đông Thanh tại Lâm Đồng.
Về hiện trạng nứt đất, đa phần phát triển các khối trượt có trước, các dấu hiệu như vết nứt tại Khu dân cư tổ 11, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, quan trắc 6 tháng đầu năm 2023 đã cho thấy khối trượt đã dịch chuyển 190mm, diễn biến phức tạp và đang trong diện gây nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định và sinh kế của người dân. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là sự có mặt các lớp đất đá yếu trong các hệ tầng địa chất, phân bố nhiều ở vùng Nam Tây Nguyên. Mưa lớn dài ngày và các hoạt động xây dựng công trình đã tác động vào các khu vực vốn xung yếu về địa chất, đã làm phát sinh vụ trượt lở trong các tháng 6, 7, 8 năm nay.
Qua đó, TS. Quốc Cường đưa ra một số kiến nghị trong thực hiện các nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học thời gian tới về trượt, sạt lở, nứt đất tại Nam Tây Nguyên, cần chú trọng xây dựng quy hoạch các tỷ lệ và chú trọng kỹ thuật, công nghệ giám sát, cảnh báo thời gian thực tai biến trượt lở theo diện và theo điểm; Tăng cường phối hợp giữa các ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông với Bộ KH&CN cùng các tổ chức khoa học nói chung nghiên cứu, nhận diện và xử lý các tai biến với các nhiệm vụ cấp bách: Xác định mức độ nguy hiểm của trượt lở – nứt đất năm 2023 ở các khu vực trọng điểm vùng Nam Tây Nguyên và đề xuất giải pháp xử lý, giảm thiểu thiệt hại; Xây dựng hệ thống giám sát trượt lở đất và hệ thống quản lý thông tin phục vụ cảnh báo thời gian thực tại các khu vực dân cư và tuyến đường giao thông trọng điểm khu vực Nam Tây Nguyên.
GS.TS Trần Đình Hoà – Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam – Chủ nhiệm Chương trình KC08/21-30 đã trình bày tình trạng sạt lở sông, biển ở ĐBSCL cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL có tổng 596 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 804.4km (Bờ sông 548 điểm/ 582.7 km, bờ biển là 48 điểm/221.7 km). Với sự tác động của dòng triều biển Đông tạo ra vận tốc dòng chảy lớn; Ảnh hưởng từ cấu tạo đường bờ và trầm tích hạt, gió và dòng chảy, kiến tạo địa chất và sụt lún, quá trình khai thác cát, đặc biệt tác động từ biến đổi khí hậy đã gây nên hiện tượng xói lở đáy biển và gây tổn thương đến đường bờ biển ĐBSCL.
Đưa ra giải pháp bảo vệ bờ sông, biển, GS.TS Trần Đình Hoà nêu lên 2 nhóm giải pháp về quản lý, kỹ thuật, trong đó có nhóm giải pháp công trình cứng bao gồm: Kè biển, kè mỏ hàn, đê ngầm phá sóng, kè mỏ hàn kết hợp đê ngầm phá sóng; Nhóm giải pháp mềm bao gồm: Nuôi bãi, trồng rừng ngập mặn, và đụn cát. Các nhóm giải pháp đã được thực hiện và đang tiếp tục triển khai trên các khu vực như bờ sông tại Cà Mau, kè bảo vệ bờ tại Vĩnh Hảo – Sóc Trăng; Cấu kiện CT1 giảm sóng ở Gò Công –Tiền giang; Kè bảo vệ bờ tại Gành Hào – Bạc Liêu,… Đồng thời, cần sớm phát triển các kết cấu, công nghệ mới tại các kè biển trực tiếp và vị trí công trình giảm sóng, nhằm giảm thiểu tối đa thiên tai do bão lũ gây nên tình trạng trượt lở đất tại khu vực.
Trong Hội thảo, các ý kiến thảo luận, đóng góp từ đại diện Bộ KH&CN, các Viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan là những ý kiến quan trọng để tổng hợp, đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể cho tình hình nghiên cứu thiên tai tại Việt Nam cũng như đề xuất giải pháp ứng phó trong tình hình mới.