Thảo luận ở hội trường sáng 31/5, một số đại biểu Quốc hội đã nêu bật một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’, đặc biệt xuất hiện trong thời gian gần đây.
Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường sáng 31/5. |
Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, các đại biểu Quốc hội bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Hai nhóm cán bộ ‘sợ trách nhiệm’
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch Covid -19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Đại biểu đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo nhưng đại biểu đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
Do vậy đại biểu nhấn mạnh cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.
Đại biểu cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu sáng 31/5. |
Đại biểu đã phân tích các nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và sợ vi phạm pháp luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.
Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Diễn ra căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Cùng chung nhận định, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng đang diễn ra căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ.
Phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk bày tỏ nhất trí và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đã vừa có giải pháp nhanh chóng để phòng chống và chấm dứt dịch bệnh Covid-19; dự báo sớm về tình hình kinh tế, thu hút các dòng vốn để ổn định kinh tế- xã hội…
Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cũng bày tỏ băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt được kỳ vọng; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; tội phạm công nghệ cao; căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ… đang là những vấn đề Chính phủ cần quan tâm hơn…
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. |
Để thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, theo Báo cáo của Chính phủ thì việc quan tâm chăm sóc, phát huy người cao tuổi đã đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, nước ta do quy mô quỹ an sinh xã hội còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo được thu nhập cho mọi đối tượng người cao tuổi. Trong khi đó, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và trong tương lai gần sẽ tác động mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm vì hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội người cao tuổi chưa hoàn thiện.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm, mang tính chất dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân.
Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống hay là thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc người cao tuổi nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia vào mỗi người dân. Xây dựng chính sách, pháp luật về an sinh xã hội cho người cao tuổi cần phải thực hiện song song với hệ thống pháp luật về kinh tế.
Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo, quản lý của Chính phủ, các bộ ngành trong thời gian qua.
Để thực hiện tốt hơn nữa các kết quả công tác trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.
Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum. |
Bên cạnh đó, cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Đại biểu đề nghị ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.
Về vấn đề phát triển vùng Tây Nguyên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm, chỉ đạo rà soát và có các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, lực cản lớn đối với sự phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là việc chưa có quy định phù hợp về phân cấp, phân quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là một trong những nguyên nhân chậm triển khai các dự án, cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Đại biểu cho rằng, cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, có cơ chế để các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có về nguồn năng lượng tái tạo để phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời, nhằm từng bước giúp Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.