Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ 2 – 8/10 tại Hà Nội), đã thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận trong nước và quốc tế. Tại hội nghị, nhiều vấn đề hệ trọng của Đảng, đất nước đã được đem ra bàn thảo, kết luận. Một trong những vấn đề trên là sự thống nhất cao cho rằng, cần ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa…
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu – Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X; nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để ghi nhận ý kiến.
+ Thưa Thượng tướng, trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới thì theo ông, vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà đang đặt ra yêu cầu gì?
– Trước hết, cần phải khẳng định rằng, tri thức luôn là nền tảng của tiến bộ xã hội trong mọi thời đại. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ 4.0, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh bền vững của mỗi quốc gia trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa rồi đã thống nhất cao cho rằng cần phải ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa – tôi cho là rất đúng đắn và dư luận rất đồng tình ủng hộ.
Để ban hành Nghị quyết thì cần phải có bộ tham mưu chiến lược, giúp cho Đảng, Nhà nước thể chế hóa trong vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài nước Việt. Đội ngũ tham mưu này phải có những “hạt nhân” tiêu biểu, đó là những người đã được “kiểm nghiệm”, trải qua trong đào tạo, trong thực tiễn kiểm nghiệm, có lý luận và thực tiễn thì khi xây dựng Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Vì hiền tài là nguyên khí quốc gia, trong thời đại hội nhập sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, rất cần có đội ngũ trí thức làm chủ khoa học công nghệ, góp phần vào đột phá trong từng lĩnh vực, tạo đà cho đất nước phát triển.
+ Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng đội ngũ trí thức của chúng ta vẫn còn một số “điểm nghẽn” như thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành – đó là một trong những “rào cản” cho việc nghiên cứu, sáng tạo. Thượng tướng nghĩ sao về vấn đề này?
– Cái quan trọng là tầng lớp trí thức đó đem lại hiệu quả gì cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc. Phải có chuyển biến từ lý luận thành thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực, từ khoa học quân sự, đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, nông nghiệp, công nghệ, văn hóa…
Chúng ta cần phân loại đối với đội ngũ tầng lớp trí thức Việt Nam hiện nay, từ thực tiễn đó để có ưu đãi cho linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Tức là phải có đãi ngộ tương xứng với tài năng và sự cống hiến của người ta, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để họ lao động sáng tạo, phát huy hết sức tài năng, trí tuệ của cá nhân, tập thể.
Tôi cho rằng, không được “cào bằng” trong chính sách đãi ngộ nhân tài, không thể ai cũng như ai. Nếu như “cào bằng” thì sẽ dẫn đến bị “nghẽn”, có hiện tượng “chảy máu chất xám” trong các lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu, sáng tạo. Khi đội ngũ trí thức đã có cống hiến cho đất nước, trải qua thực tiễn kiểm nghiệm và có kết quả rồi thì cần phải đãi ngộ, tôn vinh họ xứng đáng với những cống hiến đó.
+ Vậy, theo Thượng tướng, để thu hút, phát triển đội ngũ trí thức trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần đặc biệt lưu ý vấn đề gì?
– Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng với cống hiến của các tầng lớp trí thức. Phải biết phát huy những ưu điểm, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời kết hợp với việc tiếp thu những tinh hoa của thế giới để vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Con người Việt Nam vốn rất thông minh, nhạy bén, rất nhiều người được đào tạo ở các nước trên thế giới, trên tất cả các lĩnh vực… Phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với họ thì mới thu hút được nhân tài là người Việt đang hoạt động trên các lĩnh vực của thế giới; để họ trở về Việt Nam cống hiến, góp phần vào xây dựng, phát triển đất nước.
Càng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng thì càng phải đề cao vai trò của đội ngũ trí thức. Phải nghiên cứu, chọn lựa, chắt lọc tinh hoa của thế giới, xây dựng đội ngũ trí thức của Việt Nam ngang tầm với thời đại, ngang tầm với các nước trên thế giới.
+ Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hội nghị đã thống nhất cao cho rằng, bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: Xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực. Bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững; là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội nghề nghiệp của trí thức và toàn xã hội. Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia. Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, cần tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học – công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức. Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học. Đẩy mạnh việc huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; đề cao trách nhiệm, tăng cường tính chủ động, tích cực của bản thân đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội nghề nghiệp trong đội ngũ trí thức. |
N.Hường (Thực hiện)