Liên quan đến việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, từ hành lang Quốc hội đến các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 6, nhiều ĐBQH đã đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ của vấn đề này.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) cho biết, tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc vẫn xảy ra, theo đó, đặt câu hỏi về trách nhiệm của bảo hiểm y tế (BHYT) trong vấn đề này. Bà Phong Lan khẳng định: “Đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được thì là lỗi của chúng ta”.
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cũng gửi kiến nghị của cử tri tới Chính phủ, đề nghị tiếp tục chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đồng thời cho rằng, cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục được thanh toán BHYT
“Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan Nhà nước. Do đó, nhân dân cần cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này”, đại biểu Ngọc Xuân gửi tới Quốc hội ý kiến của cử tri.
Nhiều đại biểu lên tiếng về vấn đề này cho rằng, BHYT phải có trách nhiệm thanh toán, chi trả các khoản chữa trị cho người dân khi họ phải ra bệnh viện tư để chữa bệnh khi cơ sở y tế công lập không thể đáp ứng. Liệu có đủ cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện?
Trao đổi bên lề Quốc hội, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc trả lại tiền cho người dân phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế là rất cần thiết. Từ kỳ họp trước, khi thảo luận về vấn đề bảo hiểm xã hội, BHYT, nhiều đại biểu rất quan tâm và nêu vấn đề này.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng pháp luật đã quy định các cơ sở khám chữa bệnh BHYT phải có trách nhiệm đảm bảo đúng thuốc, vật tư y tế trong danh. Còn các cơ sở y tế sẽ được thanh toán từ Quỹ BHYT.
“Quỹ này có nguồn chính là đóng góp từ những người tham gia BHYT. Trong trường hợp người tham gia BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài như vậy cần phải có cơ chế thanh toán, bồi hoàn trở lại cho người dân, vì họ đã phải bỏ tiền túi ra mua thuốc”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa nhấn mạnh đến gánh nặng tài chính vì có rất nhiều trường hợp điều trị bệnh phải bỏ ra chi phí rất cao, từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
“Trước hết là để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đây là gánh nặng tài chính rất lớn, đặc biệt đối với những người thu nhập thấp. Rất dễ dẫn đến tình trạng người dân bị “nghèo hóa” vì chi phí y tế”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, BHYT không thanh toán sẽ khiến người dân mất đi lòng tin vào hệ thống BHYT. Hơn nữa, khi người dân tham gia BHYT nhưng lại không được đảm bảo các quyền lợi cơ bản, điều này khiến cho mục tiêu BHYT toàn dân bị ảnh hưởng, sẽ gặp khó khăn.
Về mặt pháp lý, ông Nghĩa cho biết, theo quy định của Luật BHYT, đã có trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thanh toán những trường hợp đặc biệt. Vì vậy, hoàn toàn có thể vận dụng trong trường hợp này để thanh toán cho người dân.
“Đây là vấn đề hết sức cần thiết, có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện và cần phải quyết tâm làm để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”, đại biểu nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho rằng, giải quyết vấn đề này không khó. Người dân có thể mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài với giá cao hơn hay thấp hơn nhưng họ có thể được thanh toán với mức mà BHYT thanh toán.
Giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay việc thực hiện ở cả 3 cấp. Tại Trung ương, đấu thầu tập Trung Quốc gia chiếm khoảng từ 16,5-18 % số lượng thuốc toàn quốc. Cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như đã nêu trên còn các nguyên nhân chủ quan, như do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập.
“Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời hiệu quả, đặc biệt là có tâm lý e ngại sợ sai một số cá nhân, đơn vị và địa phương”, bà Lan nói.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế, các Bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, vướng mắc liên quan tới cơ chế mua sắm đấu thầu, thuốc, vật tư y tế.
Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Bà Lan cho biết đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định này.