Cần có chiến lược đầu tư hệ thống cấp nước đô thị
Ðến nay, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung của tỉnh đạt 81,09%. Ðể đạt mục tiêu đến năm 2025 trên 90% dân số đô thị được cấp nước sạch đòi hỏi nhiều giải pháp quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch.
Độ “bao phủ” còn thấp
Với khu vực nội thị có 11 phường, TX Hoài Nhơn đặt ra mục tiêu đến hết năm 2023, tối thiểu sẽ có 30.137 hộ/108.398 người được sử dụng nước sạch tập trung, tỷ lệ 69,56% (cao hơn so với chỉ tiêu tỉnh giao là 69,02%); tuy nhiên đến nay -tháng 6.2023 – con số này vẫn mới 62,46%.
Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho biết, khó nhất là một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của sử dụng nước sạch tập trung, có những hộ đã đấu đường ống hết rồi nhưng sử dụng rất ít. Bên cạnh đó là hạn chế về việc đầu tư phát triển và mở rộng mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn, đa số chỉ tập trung các tuyến đường trục chính, tuyến đường có nhiều hộ dân có nhu cầu đăng ký sử dụng nước sạch; hệ thống đường ống cấp nước chưa đi sâu vào các tuyến đường nội thị, ngõ hẻm để đáp ứng nhu cầu của người dân…
Theo Sở Xây dựng, đến hết năm 2022 tỉnh ta có 20 đô thị với dân số gần 620 nghìn người. Hầu hết đô thị đã được cung cấp nước sạch từ 21 nhà máy xử lý nước sạch do 10 đơn vị cấp nước quản lý, vận hành khai thác với tổng công suất khai thác nước sạch tại các đô thị và khu công nghiệp 94.619 m3/ngày đêm (đạt 85,74% tổng công suất thiết kế). Tuy nhiên, đến nửa năm 2023, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung của tỉnh lại rớt xuống còn 81,09%.
Theo ông Trần Đình Duy, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), có một số nguyên nhân chính của tỷ lệ chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý là việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp. Nguồn vốn đầu tư cho các công trình cấp nước và xã hội hóa đầu tư dự án cấp nước còn nhiều khó khăn. Các đô thị nằm rải rác, không tập trung và cơ chế giá nước sạch giữa đô thị và nông thôn còn có sự chênh lệch nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án cấp nước đảm bảo khả năng xử lý cấp vùng, đảm bảo thuận lợi cho việc phân vùng cấp nước. Việc tuyên truyền người dân đấu nối nước sạch chưa được các địa phương chú trọng, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch.
Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định thực hiện cấp nước cho các đô thị trong tỉnh. Ảnh: M.H |
Cần có chiến lược đầu tư bao phủ
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hữu Thiện cho hay, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, phân loại đô thị. Đây cũng là một trong 19 chỉ tiêu chủ yếu được tỉnh đề ra trong phát triển KT-XH. Năm 2023, tỉnh ta phấn đấu đạt mức 86% dân số được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung.
Qua rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về hiện trạng hệ thống cấp nước tại các đô thị, kế hoạch đầu tư hệ thống trong những năm tới, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đến năm 2025 cả tỉnh trên 90% (vượt 7% so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra).
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là triển khai đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt các dự án trọng điểm như: Nhà máy nước sạch Quy Nhơn; cấp nước sạch trên địa bàn TX Hoài Nhơn theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOO); hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Lộc, Phước Hiệp và vùng phụ cận huyện Tuy Phước; nhà máy cấp nước sinh hoạt phường Nhơn Hòa; nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Tân, TX An Nhơn; nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước sinh hoạt thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn…
Ông Lê Đăng Tuấn cho hay, tăng trưởng dân số đô thị được sử dụng nước sạch tập trung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của TX Hoài Nhơn hiện nay. Cùng với 3 đơn vị cấp nước sạch tập trung (tổng công suất thiết kế 155.550 m3/ngày đêm), thị xã cũng đang khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án cấp nước sạch hợp đồng BOO với hơn 330 tỷ đồng để cấp nước sạch cho Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Đức, Hoài Phú và 7 khu phố thuộc phường Hoài Thanh Tây.
TX An Nhơn tập trung đầu tư hoàn thành các dự án cấp nước cho 6 xã lên phường trong năm 2024 (Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Nhơn Hậu, Nhơn Phong), đảm bảo tỷ lệ toàn thị xã đến năm 2025 đạt trên 90%. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết tiếp tục đấu nối cho các khu vực chưa được cấp nước sạch ở khu vực 8 (phường Bùi Thị Xuân); khu vực 8 (phường Trần Quang Diệu); các khu dân cư, khu đô thị mới… Đồng thời, mở rộng mạng lưới cấp nước cho xã Nhơn Lý.
“Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định thực hiện cấp nước tại các đô thị của Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân… Đơn vị phối hợp với địa phương xác định nhu cầu cụ thể để tăng tỷ lệ đấu nối nước sạch đô thị; tuyên truyền vận động người dân hiểu về lợi ích khi sử dụng nước sạch, tạo thói quen để từng bước giảm và chấm dứt sử dụng nước giếng khoan, giếng đào chưa qua xử lý. Bố trí nguồn vốn đầy đủ, kịp thời để triển khai đầu tư xây dựng các công trình của hệ thống cấp nước. Đồng thời, kiến nghị cấp thẩm quyền có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng nước sạch như lắp đặt đường ống cấp nước sạch đến từng hộ gia đình, miễn phí chi phí lắp đặt đường ống phân phối và đồng hồ đo lưu lượng nước sạch. Ông Nguyễn Tấn Huy, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định |
MAI HOÀNG