NHÀ TRƯỜNG TẠO MÔI TRƯỜNG ĐỔI MỚI
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng việc đổi mới, giảm lệ thuộc vào sách giáo khoa (SGK) cần có sự đồng bộ trong quản lý từ cấp tổ bộ môn, lãnh đạo nhà trường tới các phòng, sở GD-ĐT.
Lâu nay, khi kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, đoàn kiểm tra các cấp không mấy khi quan tâm đến chương trình, chỉ quan tâm đến SGK, bài dạy, bài soạn đó đã thể hiện nội dung của SGK như thế nào. Chương trình mới đã giao quyền tự chủ cho nhà giáo thì không thể có cùng nội dung, phương thức đánh giá như chương trình cũ được, phải có phương thức đánh giá phù hợp để tạo động lực đổi mới cho giáo viên (GV).
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ khi mới thực hiện chương trình mới, nhiều thầy cô vẫn chưa thoát ra được suy nghĩ phải dạy đúng, dạy đủ SGK. Nhiều GV sợ bỏ sót nội dung nào đó trong SGK thì học sinh (HS) của mình sẽ bị thiếu, nếu trong các kỳ thi đề ra đúng vào phần đó thì HS bị thiệt thòi. Một số GV cũng nghĩ trình tự bài học trong sách thế nào phải làm theo đúng như vậy. Các nhà trường cũng chưa tận dụng quyền tự chủ của mình để tạo môi trường đổi mới, hỗ trợ GV đổi mới. Nếu điều này không được khắc phục thì cũng sẽ khó thay đổi được quan điểm sử dụng SGK mới.
“Để GV thay đổi thì nhà trường phải chủ động có kế hoạch giáo dục tổng thể và trong từng môn học. Căn cứ vào chương trình, mục tiêu của Bộ, điều kiện dạy học, đối tượng HS…, mỗi môn học phải thiết kế lại. Từ chương trình đó, các tổ bộ môn, GV mới hình dung được nhiệm vụ và chủ động vận dụng các nguồn học liệu, phương pháp, cách thức dạy học để thiết kế bài giảng”, bà Nhiếp nói.
Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng Hệ thống giáo dục Edison, cho rằng với mục tiêu thay đổi như vậy thì mỗi bộ SGK lại chỉ đóng vai trò như một trong những phương án, giải pháp, công cụ để đạt được năng lực cần có.
Theo bà Minh, để tìm kiếm những nguồn học liệu phù hợp, hữu ích, thực sự chất lượng, khả thi có thể sử dụng phục vụ chương trình học tập các mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng phù hợp thì cần có định hướng rõ ràng từ lãnh đạo nhà trường với những tiêu chí cụ thể, sự chọn lọc và kiểm định chất lượng kỹ càng. Dưới chương trình khung từng môn học 2018 của Bộ GD-ĐT ban hành, nhà trường phải có ban chương trình và đào tạo phối hợp với các chuyên gia trong từng lĩnh vực thiết kế, xây dựng chương trình chi tiết với những định hướng cụ thể về nguồn học liệu và phương pháp phù hợp với từng bộ môn, chuyên đề học tập.
CƠ QUAN QUẢN LÝ KHÔNG NÊN CAN THIỆP VÀO CHUYÊN MÔN
Điều quan trọng nhất để tạo động lực cho GV không ngừng tự đào tạo và học hỏi nâng cao kiến thức, theo bà Minh, chính là: “Tiêu chí và cơ chế đánh giá đúng, ghi nhận những đáp ứng của GV với các yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn được đề ra. Khi có cơ chế tạo động lực từ nhà trường như vậy, sự học hỏi và sáng tạo của từng GV là không có giới hạn”.
Nhìn từ khâu chọn SGK, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), cho rằng: “Quan trọng nhất là cần giao cho chính chủ thể là HS và GV quyền thực sự và trách nhiệm về mặt chuyên môn là được lựa chọn SGK phù hợp nhất với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình. Còn các cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn SGK mà không nên can thiệp vào công việc chuyên môn của GV trong việc lựa chọn SGK cho chính cơ sở giáo dục của mình”.
Tổ chức dạy theo hướng mở
Để dạy học không phụ thuộc vào SGK, Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã chủ động nghiên cứu chương trình, cụ thể hóa những nội dung và phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của người học. Đó là tổ chức dạy theo hướng mở và tạo điều kiện cho HS tham gia quá trình xây dựng bài học theo cách HS đóng vai là thầy cô, phát huy hứng thú, hợp tác nhóm và năng lực sử dụng công nghệ thông tin nhạy bén. Bên cạnh đó, việc tập huấn, bồi dưỡng GV về phương pháp, nội dung giảng dạy cũng là vấn đề cần được các trường coi trọng. Trong đó, việc tập huấn cho GV căn cứ vào chương trình thay vì tập huấn dựa vào SGK như trước đây khi chưa có chương trình tổng thể.
Bà Tô Lan Hương, GV Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho biết cách làm của trường là huy động trí tuệ tập thể. Các thầy cô trong tổ bộ môn sẽ cùng soạn chung để làm tài nguyên cho tổ. Trên nền đó khi vào dạy sẽ “vỡ ra” để phù hợp với từng đối tượng HS mà GV đang dạy ở từng lớp. Việc sinh hoạt chuyên môn sẽ hỗ trợ được cho GV trong tháo gỡ khó khăn khi tổ chức các hoạt động dạy học với HS. “Tôi nói với các GV trong tổ là mình có quyền được chọn sao cho phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, có thể cắt bớt. Chúng tôi đã mạnh dạn làm như thế, thay đổi kế hoạch dạy học như thế và đã làm rồi”, bà Hương nói.