VƯỚNG NGUỒN TUYỂN GV tiếng Anh, tin học…
Báo cáo của Bộ GD-ĐT chỉ rõ, tình trạng thiếu giáo viên (GV) cục bộ vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Ông Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết đội ngũ GV đang là khó khăn lớn mà ngành giáo dục tỉnh này gặp phải, số GV còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển GV các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Thiếu GV gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường. Cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh (HS) bán trú, nhà công vụ cho GV; một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế. Chế độ chính sách dành cho HS, sinh viên và cán bộ, GV, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, GV, nhân viên còn khó khăn.
“Căn cứ vào Nghị định 141 về đào tạo cử tuyển, chúng tôi ưu tiên con em trên địa bàn, thực hiện chính sách cử tuyển, đào tạo tập trung vào các ngành tin học, ngoại ngữ… Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm thực hiện, mới có 72 SV đi học cử tuyển các ngành này”, ông Bằng cho biết.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Trước thực tế này, ông Bằng đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách thu hút GV trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; hợp đồng không thời hạn đối với GV công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Đồng thời, các GV công tác tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ các chi phí như: tiền thuê nhà, tiền đi lại (nếu dạy tại các điểm bản), tiền trực trưa…
Không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập và bố trí đủ GV hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.
Tăng chỉ tiêu đào tạo GV các môn chuyên biệt như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật và GV tiểu học cho các cơ sở đào tạo GV để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển GV cho các địa phương.
Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, lãnh đạo UBND cũng chỉ ra tình trạng thiếu GV và thiếu nguồn tuyển, chủ yếu do lương GV còn thấp. Bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nêu tại thủ đô, quy mô HS, trường lớp hằng năm đều tiếp tục tăng, số biên chế giao cho ngành giáo dục vẫn tiếp tục thiếu. Bà Hà kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá lại việc giao chỉ tiêu biên chế, nhất là một số môn học đặc thù để đảm bảo cơ cấu đội ngũ.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho hay các cơ sở giáo dục công lập gặp rất nhiều khó khăn do chưa bố trí được kinh phí trong việc trả lương GV hợp đồng dẫn tới việc trả lương không cao, khó tuyển dụng, nhất là GV mầm non. Hiện các trường phổ thông ở TP.HCM cũng thiếu nhiều và khó tuyển dụng GV các môn tin học, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc do lương quá thấp.
Bà Thúy kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế đặc thù để tuyển dụng các GV tin học, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc. Bà Thúy cũng đề nghị cần có quy định về cấp chứng chỉ sư phạm cho GV người nước ngoài để có thêm nguồn GV bản ngữ dạy tiếng Anh cho HS VN.
ĐIỂM NGHẼN LỚN NHẤT VẪN LÀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GV
GS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học VN, cho rằng vấn đề được coi là điểm nghẽn cơ bản nhất của giáo dục hiện nay cần giải quyết là chất lượng đội ngũ GV. Đây là một thách thức cho ngành giáo dục. “Thế hệ HS chúng ta đang đào tạo là gen Z. Những thế hệ này “tắm” mình trong công nghệ. Đội ngũ GV phải nắm bắt các đặc điểm của thế hệ HS này để nâng cao chất lượng nhưng chất lượng đội ngũ GV của chúng ta vẫn là điểm nghẽn rất lớn”, bà Doan nói.
Cũng theo bà Doan, đời sống GV còn khó khăn nên không có nhiều thời gian cho đọc và tự học. Dẫn báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về chất lượng nguồn nhân lực VN chưa cao, bà Doan cho rằng muốn cải thiện điều này thì quan trọng nhất là cần nâng chất lượng giáo dục. “Muốn kích đẩy, phải nâng cao chất lượng đội ngũ vì người thầy là “chìa khóa”. Đây là bài toán rất khó, lâu dài và đòi hỏi các cấp, các ngành, tất cả các tỉnh thành đều phải vào cuộc”, bà Doan khẳng định.
YÊU CẦU BẢO ĐẢM NGUYÊN TẮC “CÓ HS PHẢI CÓ GV”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm học 2023 – 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà ngành đang đối mặt. Trong đó nổi cộm là các điều kiện về GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng… Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với GV còn bất cập, chưa đủ hấp dẫn, khó thu hút và giữ chân đội ngũ GV, nhất là ở các thành phố lớn và các vùng khó khăn.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ GV phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ GV theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có HS phải có GV đứng lớp”, phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GD-ĐT cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ GV ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý 3/2024.
THIẾU NGUỒN TUYỂN GV, TRƯỜNG SƯ PHẠM NÓI GÌ ?
Trước thực trạng thiếu GV dạy các môn học theo Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết hiện nay các trường ĐH sư phạm đều đã mở và đào tạo GV đáp ứng chương trình như: môn tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý. Năm 2023 đã có lứa đầu tiên tốt nghiệp. Bên cạnh đó, trường sư phạm cũng có nhiệm vụ bồi dưỡng GV đơn môn để dạy tích hợp… Để giải quyết tình trạng khó khăn trong việc tuyển dụng GV các môn học mới, ông Sơn cho biết hiện các trường sư phạm đã xây dựng các chương trình đào tạo vừa học vừa làm, văn bằng 2.
Ông Sơn cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, trong đó có việc đào tạo GV hiện nay. Nếu chỉ căn cứ vào đặt hàng của địa phương thì rất hạn chế. Cần sửa nghị định theo hướng chuyển đổi phương thức cấp kinh phí, SV được vay ưu đãi để học và sau khi được tuyển dụng sẽ được bồi hoàn cả học phí và sinh hoạt phí.
Nguồn: https://thanhnien.vn/can-chuan-bi-chu-dao-cac-dieu-kien-cho-nam-hoc-moi-18524081917121108.htm