Bộ Y tế từng thống kê, sau dịch Covid-19 bùng phát, ngành y tế ghi nhận gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng lớn nhân viên y tế nghỉ việc là thu nhập quá thấp so với mức sống.
15.000 ĐỒNG TIỀN ĂN KHÔNG CÒN PHÙ HỢP
Theo ông Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định các mức phụ cấp đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phòng chống dịch gồm: phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn. Sau nhiều năm áp dụng, với tình hình kinh tế – xã hội, đời sống như hiện nay, các mức phụ cấp áp dụng đã không còn phù hợp, cần điều chỉnh để tương xứng với sức lao động.
Điển hình như mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với BV hạng 1, hạng đặc biệt. Như vậy là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình vật giá, cần phải thay đổi theo hướng tăng thêm để người lao động có thể tái tạo sức lao động, đặc biệt là lao động về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Tương tự, mức phụ cấp phẫu thuật của bác sĩ phẫu thuật viên chính cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca không còn phù hợp. Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài 4 – 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ, nhưng tổng mức phụ cấp chỉ 1,48 triệu đồng cho một ê kíp phẫu thuật bao gồm 7 người, trong đó phẫu thuật viên chính được 280.000 đồng/ca. Mức phụ cấp như vậy thật sự không tương xứng với sức lao động của bác sĩ.
KHÔNG “GIỮ CHÂN” BÁC SĨ GIỎI Ở BV CÔNG, NGƯỜI BỆNH NGHÈO THIỆT THÒI
Bộ Y tế đang xây dựng đề xuất tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tăng tiền trực, tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay. Đề xuất này thay thế các mức phụ cấp được ban hành từ năm 2011, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm: tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay.
Chia sẻ thêm về phụ cấp chuyên môn, một giám đốc BV ngoại khoa tại Hà Nội cho hay hiện phụ cấp bác sĩ mổ là 150.000 đồng/ca, dù đó là ca mổ với các bệnh thông thường hay ca mổ lớn. “Cứu mạng người là vô giá, chúng ta không nên bàn “giá tiền” cho sự sống. Tuy nhiên, cần đảm bảo cho bác sĩ BV công có thu nhập phù hợp để trang trải cho cuộc sống, lo cho gia đình, lo cho con cái học tập”, vị này nói.
“Ngành y tế đang đề xuất điều chỉnh phụ cấp, tôi không rõ là nâng lên bao nhiêu, so với phụ cấp áp dụng đã lâu. Nhưng tôi cho rằng nếu ai đó còn đang nâng lên đặt xuống nên thêm bao nhiêu tiền cho một bác sĩ, nhân viên y tế thì hãy nghĩ đến lúc họ hoặc người thân của họ cần đi chữa bệnh, được chữa bệnh và chăm sóc. Bởi vậy, nên quyết định, chứ đừng nâng lên đặt xuống thêm nữa”, một bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ này cho rằng: “Đúng là nhiều bác sĩ BV công đã sang BV tư với mức lương cao hơn rất nhiều. Nhưng đừng kỳ thị họ, đừng nói rằng đó là chảy máu chất xám, vì ở đâu họ cũng làm tốt công việc của mình. Bác sĩ ở đâu cũng làm nghề với năng lực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là các bác sĩ giỏi sang BV tư là nơi chỉ dành cho người nhiều tiền, còn người bệnh BHYT, người bệnh nghèo bớt đi cơ hội được khám chữa bệnh bởi các bác sĩ giỏi. Do đó, nếu không “giữ chân” bác sĩ giỏi ở BV công, thì người bệnh nghèo thiệt thòi hơn”.
CHÍNH SÁCH LƯƠNG, PHỤ CẤP CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM CẢI THIỆN
Chia sẻ góc nhìn về những bất cập lương, phụ cấp của các bác sĩ, đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) phân tích: Đào tạo y bác sĩ thường có thời gian dài hơn, bình thường 6 năm, có thể lên tới 7 năm, chi phí cho việc đào tạo cũng rất lớn. Tuy nhiên, khi bác sĩ tốt nghiệp ra trường thì lương rất thấp, đặc biệt là các bác sĩ về tuyến tỉnh, tuyến huyện, lương càng thấp hơn. Cũng vì thế, nhiều bác sĩ sau khi tốt nghiệp không về tuyến tỉnh làm việc mà ở lại TP để có thu nhập cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực ở các tuyến tỉnh, tuyến huyện, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh cho các tuyến này, ảnh hưởng tới người dân.
Một bác sĩ tại Hà Nội
Do đó, chính sách lương, phụ cấp của y bác sĩ cần được quan tâm cải thiện. Điều này sẽ giúp thu hút đội ngũ y bác sĩ trẻ, giỏi về các tuyến tỉnh, huyện công tác. Khi năng lực khám chữa bệnh của tuyến tỉnh, huyện được nâng lên với nguồn nhân lực giỏi sẽ hạn chế được bệnh nhân phải lên tuyến trên khám chữa bệnh. Như vậy, vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân, vừa hỗ trợ, thúc đẩy người dân tham gia BHYT, thu hút được các y bác sĩ giỏi về tuyến tỉnh, huyện.
Hiện tại, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm lương của giáo viên, quy định xếp lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương đơn vị hành chính sự nghiệp. Ngành y cũng là ngành rất quan trọng, vì nếu giáo viên là đào tạo con người thì y bác sĩ làm công tác cứu chữa người. Đây là hai lĩnh vực rất quan trọng, song hành với nhau. Do đó, nếu được, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên xem xét chế độ lương, phụ cấp của y bác sĩ cũng như của giáo viên để họ yên tâm trong công tác cứu chữa người, cống hiến cho xã hội.
Trước thực tế chi phí đào tạo ngành y “đắt đỏ”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên), Giám đốc BV T.Ư Thái Nguyên, cho hay đào tạo bác sĩ hiện nay học phí rất cao, nhất là ở các trường đào tạo tự chủ, được quyết định mức học phí. Học phí đào tạo bác sĩ so với mặt bằng chung của các trường ĐH ngành nghề khác rất là cao. Bên cạnh đó, đào tạo bác sĩ cũng dài hơn, tốt nghiệp bác sĩ rồi còn phải tiếp tục học thêm nữa.
“Tôi cho rằng ngành bác sĩ được coi là một nghề đặc biệt thì cũng cần có chính sách đặc biệt, đặc thù giống như giáo viên. Y bác sĩ hiện nay lương cơ bản giống như các viên chức khác. Một số đơn vị tự chủ có thể có thêm một phần thu nhập tăng thêm, nhưng các đơn vị chưa tự chủ hoặc y tế cơ sở không có thu nhập tăng thêm cũng hơi khó khăn. Và sẽ khó thu hút được y bác sĩ giỏi về phục vụ ở vùng sâu, vùng xa và các bệnh viện tuyến dưới”, đại biểu Nguyễn Công Hoàng nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng cũng cho rằng nên có một chính sách lương, phụ cấp đối với y bác sĩ tốt hơn, đồng thời có thể nghiên cứu có một luật về y bác sĩ giống như luật Nhà giáo đang trình Quốc hội. Có như vậy, theo ông Hoàng, sau này mới có giải pháp chiến lược để phát triển y tế cơ sở được.
Điều chỉnh các chế độ phụ cấp, lẽ ra phải được thực hiện từ lâu
Quyết định số 73/2011 có hiệu lực từ đầu năm 2012, đến nay đã hơn 12 năm. Thời điểm ban hành quyết định, mức lương cơ sở là 830.000 đồng/tháng, nay mức lương cơ sở được điều chỉnh 8 lần, hiện ở mức
2,34 triệu đồng/tháng, nghĩa là tăng 182%, thế nhưng các chế độ phụ cấp liên quan đến phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực và tiền ăn vẫn chưa được điều chỉnh tương ứng.
Thực tế trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh tăng phụ cấp, nhằm phù hợp với công sức, mức sống của nhân viên ngành y, giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác. Tôi đã nhiều lần có kiến nghị việc điều chỉnh các chế độ phụ cấp cho nhân viên ngành y, lẽ ra việc này phải được thực hiện từ lâu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức
Nguồn: https://thanhnien.vn/dao-tao-bac-si-nghich-ly-hoc-phi-va-luong-can-chinh-sach-dac-biet-dac-thu-185241024220908563.htm