Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10/2023 và bế mạc vào ngày 29/11/2023, tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ 23/10 đến 10/11; Đợt 2 từ 20/11 đến 29/11.
Trước thềm Kỳ họp, các Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri để thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi tới Quốc hội. Một trong những vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm, bày tỏ băn khoăn, đó là an toàn cháy nổ tại các thành phố lớn, khu dân cư.
Thanh tra, kiểm tra còn nặng tính hình thức, không đi sâu vào thực chất
Nhiều cử tri cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, rà soát các “lỗ hổng” để phòng ngừa những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra
Bày tỏ góc nhìn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công – Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Có thể nói, công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Tuy nhiên, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trên thực tế, đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, mà đều cháy ở những nơi đông dân cư, nơi làm việc, nhà máy, xí nghiệp, phòng karaoke… Một trong những yếu kém, nguyên nhân gây ra cháy đã được Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội chỉ ra, đó là công tác, thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở còn hạn chế.
“Cũng có thể nói, nhiều địa phương không coi trọng công tác này dẫn đến cháy vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Có thể đầu tiên là cháy hết, mất hết tài sản nhưng có những vụ cháy hậu quả còn nghiêm trọng gấp nhiều lần, làm mất tính mạng của con người như vừa rồi ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Đấy là điều rất đau xót” – Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công nhìn nhận.
Vị Đại biểu Quốc hội phân tích, chúng ta thấy rằng, một trong những nguyên nhân là do không làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, không làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở như: cơ sở sản xuất, nơi dân cư, nơi ở, khu chung cư, những nơi tập trung đông người. Các cuộc thanh tra, kiểm tra có thể vẫn được tổ chức hằng năm nhưng còn nặng tính hình thức, không đi sâu vào thực chất, không hướng dẫn người dân.
“Người dân cũng chỉ xem phương tiện nọ, công cụ này, công cụ khác nhưng không được sử dụng bao giờ nên khi không may xảy ra cháy, hậu quả rất nghiêm trọng. Ví dụ như cách thoát hiểm như thế nào? Công tác chữa cháy ngay lập tức như thế nào? Vì vậy, từ một đám cháy nhỏ, từ một que diêm trở thành một đám cháy lớn, cháy hết cả khu chung cư; từ một đốm lửa nhỏ đã thiêu rụi hàng chục tính mạng con người…” – ông Hoàng Anh Công nói.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, sắp tới, chúng ta cần phải chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra. Đầu tiên là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, từ cấp cơ sở là cấp phường, xã đến cấp quận, huyện, tỉnh. Người đứng đầu, kể cả người đứng đầu cấp ủy ở đó phải có trách nhiệm đối với những vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn mà do không làm tròn trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn người dân, yêu cầu các cơ sở sản xuất, cơ sở tập trung đông người, cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy.
Nhà ở riêng lẻ biến thành “chung cư mini”, đấy là hình thức biến tướng
Ông Hoàng Anh Công cho rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy không phải chỉ là việc của Nhà nước mà đấy chính là việc của toàn dân. Phòng cháy, chữa cháy là phòng cho chính mình chứ không phải phòng cho Nhà nước, nhưng Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong việc hướng dẫn người dân, yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình.
Thứ hai, chúng ta phải có biện pháp, có chế tài cụ thể, xử lý rất nghiêm đối với những cán bộ ở cơ sở và đối với những cá nhân không thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, nhất là về vấn đề xây dựng, những công trình xây dựng trái phép, vượt phép, mật độ dân cư quá cao trong một khu đô thị không đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng, về phòng cháy, chữa cháy.
“Làm tốt công tác phòng ngừa thì chúng ta sẽ tránh được hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng”, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì sẽ hạn chế việc xảy ra những vụ cháy” – Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công nêu rõ.
Theo đó, để làm tốt được công tác phòng cháy, chữa cháy, một trong những việc làm là phải gắn chặt với công tác xây dựng. Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công chỉ ra rằng: Chúng ta phải quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép và thực thi theo giấy phép xây dựng. Không thể để tồn tại hiện tượng “cấp phép 6 tầng, xây 10 tầng”. Một giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ mà trở thành một khu “chung cư” hơn 100 người ở, không đảm bảo về an toàn phòng cháy, chữa cháy là không thể được. Khi đã xây sai phép, trái phép rồi mà vẫn để cho tồn tại. Hậu quả chỉ là sớm hay muộn.
“Tôi đề nghị sắp tới trong Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, cần phải có quy định rất chặt chẽ; đưa vào điều cấm đối với một số trường hợp, không được phép sử dụng nhà ở dân dụng với diện tích nhỏ mà lại xây dựng trở thành khu tập trung đông người, không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm, mật độ, hạ tầng cơ sở, hệ thống cấp nước, thoát nước…” – ông Hoàng Anh Công nhấn mạnh.
Trước một số ý kiến bày tỏ quan điểm là không hợp thức hóa “chung cư mi ni” trong việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công cho rằng: “Khái niệm “chung cư” là phải đáp ứng được yêu cầu, điều kiện về mặt kỹ thuật, hạ tầng, diện tích, chiều cao… Không có khái niệm “chung cư mini”, đấy chỉ là cách nói dân dã. Tất cả các nhà ở riêng lẻ biến thành “chung cư mini”, đấy là hình thức biến tướng, không đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, an toàn cho người dân ở trong đó. Chính vì thế tôi nghĩ rằng, cái này cần có một quy định cấm để đảm bảo tính mạng cho chính người dân, đảm bảo an toàn cho xã hội, không thể vì lợi ích của một nhóm người, một vài cá nhân mà biến nhiều người trở thành nạn nhân”.
Thiên An