Không giống với ở nhiều thành phố, phong tục cưới hỏi của người Dao đỏ có nhiều nét khác lạ, được trao truyền qua nhiều thế hệ và vẫn giữ được bản sắc rất riêng.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của đồng bào các dân tộc đã mai một theo thời gian. Nhưng những nghi lễ, phong tục trong đám cưới cổ truyền chứa đựng những giá trị về văn hoá, lịch sử vẫn được người Dao đỏ ở tỉnh Lai Châu duy trì và lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau.
Cô dâu trong đám cưới người Dao đỏ thường diện trang phục truyền thống với nhiều yếu tố cầu kỳ, phức tạp. Trong ảnh, cô dâu Tần Mẩy đang được bác và các cô ruột chuẩn bị lễ phục ngày thành hôn. Riêng công đoạn vấn khăn đã mất gần 2 tiếng.
Vấn khăn là công đoạn tốn nhiều thời gian chuẩn bị nhất. 6 lớp khăn lần lượt được đội lên đầu, cùng với các dây, chuông bạc đính lên với mục đích xua đuổi những điềm xấu.
Trang phục của cô dâu và chú rể đều mang những họa tiết phức tạp, nhiều tầng lớp, tạo sự nổi bật trong ngày trong đại. Đây cũng là trang phục truyền thống làm bằng vải chàm được người Dao đỏ sử dụng vào các dịp lễ, tết quan trọng.
Trước đây đám cưới thường diễn ra 3 ngày 3 đêm, còn hiện nay theo nếp sống mới nhiều gia đình đã rút ngắn thời gian tổ chức lại. Theo đó, trong 1 ngày 1 đêm ở nhà trai, còn nhà gái chỉ tổ chức 1 bữa ăn vui vẻ và đưa cô dâu về nhà chồng. Trước đó, để tiến tới lễ cưới, nhà trai phải sang nhà gái ít nhất 3 lần. Lần đầu không lễ vật, ông bà mối được chủ nhà lựa chọn là người am hiểu luật tục, có đức độ, uy tín với người dân bản làng. Sau khi ướm hỏi, nếu được bên nhà gái nhất trí thì mới về báo gia đình nhà trai chuẩn bị. Lần thứ hai là lễ ăn hỏi. Lần thứ 3 là công đoạn mang lễ vật gồm thịt lợn, gà, gạo, rượu sang để cho nhà gái chuẩn bị tổ chức lễ cưới.
Giờ đưa dâu, “nhập khẩu” vào nhà chồng cũng được người Dao đỏ chọn lựa kỹ lưỡng. Giờ khởi hành và đến nhà trai không được trùng với giờ sinh của tất cả thành viên của gia đình đôi bên. Đó là lý do rất nhiều lễ cưới được tổ chức vào những khung giờ đêm hoặc rạng sáng.
Lễ đưa dâu của Tần Mẩy được diễn ra vào lúc 4h sáng. Lúc này khung cảnh núi rừng là một màn đêm đen kịt. Trước khi vào tới cổng nhà trai khoảng 100m, đoàn rước dừng lại, thay trang phục và loại khăn vấn đầu cho cô dâu.
Một cô dâu Dao đỏ thường sử dụng 3 loại khăn vấn: khăn 6 lớp tại đám cưới nhà gái, khăn trùm kín đầu trong lễ đưa dâu và khăn truyền thống 2 lớp sau khi đã hoàn tất đám cưới.
Đồng bào Dao đỏ có quan niệm, khi người con gái đi lấy chồng không được để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này. Bởi vậy Tần Mẩy mặc trang phục truyền thống trùm khăn kín đầu trong suốt chặng đường về nhà chồng.
Trước giờ làm lễ “nhập khẩu”, cô dâu không bước chân qua cửa chính của nhà trai mà phải đứng đợi ở bên ngoài. Trước khi đến nhà trai, cô dâu cầm theo một chiếc khăn mặt mới, thể hiện việc thay đổi đời sống khi lập gia đình.
Thầy lễ đảm nhận làm lễ, đọc kinh tiếng Phạn trong đám cưới Dao đỏ. Trên các mảng tường trong phòng khách của nhà trai lúc này treo đầy những tấm vải rực rỡ hoa văn và các bài kinh cổ.
Thầy lễ kính báo với tổ tiên nhà trai. Từ giờ phút này cô dâu, chú rể chính thức trở thành vợ chồng, gia tộc có thêm một thành viên mới.
Sau đó cô dâu chú rể vào nhà quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, nhận chén rượu hồng và trang sức do cha mẹ chồng trao tặng. Lúc này, bên ngoài vang lên tiếng nhạc rộn ràng của trống, kèn. Gia đình và khách mời cùng chúc mừng cô dâu, chú rể trong ngày hạnh phúc
Sau khi thay khăn vấn sang loại khăn 2 lớp sử dụng hàng ngày. Tần Mẩy ra bể lấy nước để thực hiện tục lệ rửa mặt. Cô dâu mang một thau nước lên cho người chủ trì hai bên rửa mặt ngay cửa chính rồi tới các vị khách khác.
Vietnamnet.vn