Theo các bậc cao niên ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cây gạo có từ thời mở cõi lập làng, đến nay cũng chừng hơn 500 năm.
Cây cổ thụ là cây gạo hoa cam nằm ở thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) và nằm trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng Tuyên Hóa.
Trong thời kỳ chống Pháp, ở gốc cây gạo, dân làng xây lò vôi để cung cấp vật liệu cho việc xây dựng đình chùa, miếu mạo cho cả vùng.
Lạ thay, dù bom cày đạn xới, mưa bão triền miên trên mảnh đất này khiến nhiều cây cổ thụ ngã đổ nhưng cây gạo vẫn đứng vững, vươn mình từng ngày.
Bên cạnh cây gạo là miếu thờ Bà Sơn – một trưởng nữ có công với làng nên được người làng tôn kính và lập miếu thờ tự. Hằng năm, mỗi khi người dân vào cúng bái tại miếu thì thường ghé thăm cây gạo.
Gốc cây cổ thụ là cây hoa gạo to, khoảng 10 người mới ôm xuể, nhiều rễ bám xung quanh có hình thù độc lạ.
Ghi nhận của PV Dân Việt, cây gạo cao chừng 30m, tán vươn rộng khoảng 20m. Gốc cây rộng, nhiều rễ lớn bám xung quanh. Phía trên, cây có nhiều nhánh to tỏa bóng một vùng.
Bà Nguyễn Thị Hoa (ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa màu cam tạo nên cảnh đẹp nên nhiều người đã tới để chụp hình”.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Phạm Văn Bằng – Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Địa phương vừa tổ chức lễ công bố quyết định công nhận xã Thạch Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và quyết định công nhận Cây gạo nằm trên địa bàn xã này là cây di sản Việt Nam. Từ xưa đến nay, cây gạo là biểu tưởng của quê hương, là bóng mát chở che, ôm ấp dân làng Thạch Hóa nên luôn được bà con yêu quý bảo vệ”.
“Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, phát huy giá trị của cây Gạo di sản, gìn giữ giá trị khoa học lịch sử tự nhiên cho các thế hệ con cháu mai sau”, ông Phạm Văn Bằng chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/can-canh-cay-gao-cay-co-thu-500-tuoi-hoa-mau-la-o-quang-binh-vua-duoc-cong-nhan-la-cay-di-san-20240826170337385.htm