Theo dõi Báo Gia Lai trên
-
Nam miền Bắc -
Nữ miền Bắc -
Nữ miền Nam -
Nam miền Nam
Đầu tư vàng là hành động mua/bán vàng dựa trên biến động giá vàng để thu về lợi nhuận. Vàng vốn được coi là kênh trú ẩn chống lại lạm phát. Mua vàng được coi là kênh đầu tư truyền thống được ưa thích ở Việt Nam. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), người Việt đang mua tổng cộng 43 tấn vàng trong năm 2022. Nhu cầu mua vàng của người Việt tăng cao bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Ngân hàng Nhà nước áp dụng Nghị định 24 để chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Ảnh: Phan Anh |
Theo các chuyên gia, ưu điểm là vàng có tính thanh khoản rất cao, dễ dàng chuyển thành tiền mặt. Nắm giữ vàng càng lâu thì càng có giá, vì theo thời gian giá vàng sẽ ngày càng tăng, dù có giảm thì giá trị cơ bản cũng không thay đổi. Trái với tiền tệ, giá trị của tiền tệ không cố hữu.
Mặc dù những ưu điểm, nhưng vàng cũng có nhiều nhược điểm cần cân nhắc trước khi đầu tư.
Vàng là kênh không đem lại thu nhập thụ động. Vàng không đem lại khoản tiền lãi hoặc cổ tức như trái phiếu hay thị trường chứng khoán. Khi vàng tăng giá, nhà đầu tư bán vàng để “ăn chênh lệch”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO của AFA Capital và Founder của TOPI – cho rằng: “Vàng là tài sản không đem lại lợi suất, khi đồng USD tăng giá thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng phòng thủ là dùng vàng hoặc trái phiếu để hưởng lãi suất.
Theo các chuyên gia, giá vàng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các Chính sách điều hành thị trường. Việt Nam là nước không sản xuất vàng, chủ yếu là nhập khẩu nên khi USD tăng thì giá vàng tăng theo. Tuy nhiên có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước vào thế giới lên tới khoảng 18 triệu đồng/lượng. Vì vậy, nhiều khi giá vàng trong nước có sự chênh lệch khá lớn so với giá vàng thế giới. Những biến động kéo theo đó cũng không đồng nhất với diễn biến giá vàng thế giới. Do đó, sự rủi ro từ việc đầu cơ vàng ngắn hạn là có thể xảy ra.
Từ nhiều năm nay, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng để chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.
Từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không tổ chức đấu thầu vàng, nguồn cung hạn hẹp nhưng gần đây nhu cầu tích trữ của người dân có, khiến chênh lệch kéo giãn.
Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.
Vậy nên mua vàng miếng SJC hay mua vàng nhẫn trang sức đầu tư? Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, tuỳ vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư để chọn loại vàng tương ứng. Nếu muốn mua vàng có độ khan hiếm cao, mức độ biến động trên thị trường lớn, có thể chọn đầu tư vào vàng miếng. Còn nếu mua vàng chỉ để mục đích tích sản thì có thể chọn mua vàng nhẫn.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng đề xuất bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên định với những chính sách, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và cụ thể chính là Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Trong 8 năm, từ khi Nghị định 24 đi vào đời sống thì lợi ích đem lại ở cả trên vi mô và vĩ mô. Cụ thể, ở vi mô, giá vàng không còn nhảy múa, không ảnh hưởng đến giá hàng hoá và tỉ giá. Khi giá hàng hoá và tỉ giá không biến động quá mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định cho kinh tế vĩ mô.
“Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý cẩn thận” – ông Tú cho biết.