Tổn hại danh tiếng vì vi phạm liêm chính khoa học
Tại hội thảo quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức hôm 25.10, PGS-TS Nguyễn Hồng Sinh, giảng viên cao cấp Khoa Thư viện – Thông tin học của trường này, nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật. Bởi “không có thành tích nào quan trọng hơn danh dự”, theo bà Sinh.
“Chúng ta cần hiểu rõ quy định về liêm chính học thuật, nghiêm túc thực hiện đồng thời can đảm lên án những hành vi sai phạm”, PGS-TS Sinh khẳng định.
Bà Sinh cho biết, trong một bài báo đăng trên chuyên san BMC Medical Ethics vào năm 2021, nhóm tác giả chỉ ra có 80,8% trường hợp vi phạm liêm chính học thuật, đạo đức nghiên cứu thuộc lĩnh vực y khoa, khoa học sức khỏe, và 5,6% thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Theo quan sát của bà Sinh, phần lớn nhà nghiên cứu nhận thức về vai trò của liêm chính học thuật, song vẫn còn trường hợp vô tình hay cố ý vi phạm như ngụy tạo dữ liệu và làm giả thông tin, thiếu đồng thuận từ người tham gia nghiên cứu, thiếu phê duyệt của hội đồng đạo đức nghiên cứu
Hệ quả khi vi phạm là gì? Theo PGS Sinh, nếu không đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia, nhà nghiên cứu có thể xâm phạm quyền riêng tư; tạo tâm lý đau khổ; lợi dụng, tổn thương các nhóm yếu thế… Còn nếu kết quả nghiên cứu không hợp lệ, các nhà hoạch định chính sách sẽ hiểu nhầm từ đó ra quyết định kém hiệu quả. Nhà nghiên cứu còn có nguy cơ bị rút bài báo đã xuất bản và danh tiếng khoa học sẽ chịu tổn hại.
“Đây là những vấn đề mà nhà nghiên cứu trẻ cần lưu tâm khi chọn bước vào con đường học thuật để đảm bảo đạo đức và liêm chính trong nghiên cứu”, bà Sinh lưu tâm.
Cách để nhanh xuất bản bài báo khoa học
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, tiến sĩ Nohman Khan, Giám đốc điều hành Connecting Asia (Malaysia), giới thiệu một phương thức viết bài báo quốc tế hiệu quả là nghiên cứu tổng quan hệ thống (systematic review). Ông cho rằng bài báo khoa học dạng này sẽ dễ được xuất bản, thậm chí trên các tạp chí có sức ảnh hưởng. Nhà nghiên cứu cũng có thể hoàn thành bài nhanh chóng vì chỉ cần trực tiếp đọc và xử lý thông tin có sẵn.
Theo tiến sĩ Khan, nghiên cứu tổng quan hệ thống có mục tiêu tổng hợp các nghiên cứu hiện có, tìm ra khoảng trống nghiên cứu, thúc đẩy quá trình ra quyết định dựa trên bằng chứng cũng như giảm thiên vị trong lựa chọn các nghiên cứu sẵn có. Để tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp này, ông Khan khuyên các nhà nghiên cứu trẻ nên viết từng chút mỗi ngày.
“Nghiên cứu tổng quan hệ thống không phải chỉ một ngày là xong. Đó là quá trình tương đối tẻ nhạt nên hãy thực hành mỗi ngày rồi bạn sẽ thu được kết quả”, ông Khan chia sẻ.
Về kinh nghiệm xuất bản quốc tế, GS-TS Hamdan bin Said từ ĐH Công nghệ Malaysia, khuyên nhà nghiên cứu trẻ đừng nản lòng sau lần đầu bị từ chối xuất bản. “Hãy đặt câu hỏi cho ban biên tập để biết chỗ cần điều chỉnh để hoàn thiện rồi nộp. Lặp lại quá trình đó cho đến khi nghiên cứu của bạn được công bố. Quan trọng là nhận thức được khuyết điểm và nỗ lực khắc phục nó thay vì buồn rầu”, ông Hamdan khuyên.
GS Hamdan khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ mạnh dạn trình bày nhu cầu của mình khi đến hội thảo. “Đây là nơi tốt nhất để phát triển mạng lưới quan hệ với các nhà nghiên cứu khác. Hãy bày tỏ quan tâm với công trình của họ, xin thông tin liên lạc rồi gửi bản thảo để được họ góp ý. Nếu đến hội thảo chỉ để chào hỏi thì bạn sẽ không thể học được gì”, ông Hamdan nêu quan điểm.
Về kinh phí xuất bản, ông Hamdan đề xuất nhà nghiên cứu trẻ trao đổi trực tiếp với cơ quan chủ quản hoặc các tổ chức, quỹ nghiên cứu và nêu đóng góp của mình thông qua kết quả và tác động của nghiên cứu với xã hội. Ông Hamdan cũng cho rằng vượt qua rào cản ngôn ngữ là điều kiện cần thiết để hội nhập môi trường xuất bản quốc tế. “Tôi hy vọng chúng ta có thể cùng giúp nhau để tiến xa hơn”, ông Hamdan chia sẻ.
Khi những nhà nghiên cứu trẻ công bố khoa học
Tại hội thảo, những nhà nghiên cứu trẻ bao gồm sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã báo cáo kết quả nghiên cứu của mình. Những nhà nghiên cứu trẻ đã trải qua quy trình công bố khoa học nghiêm túc, từ nộp bản thảo, phản biện, báo cáo tại tiểu ban đến công bố kết quả nghiên cứu trong kỷ yếu có chỉ số ISBN của nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM. Hội thảo quy tụ hơn 100 bài báo cáo trên nhiều ngành học như triết học, văn học, lý luận và phương pháp dạy học tiếng Anh, giáo dục, tâm lý học…
Nguồn: https://thanhnien.vn/can-can-dam-len-an-hanh-vi-sai-pham-liem-chinh-hoc-thuat-185241026103152178.htm