Lương thấp, nhiều bác sĩ có trình độ xin nghỉ việc
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, từ năm 2021 đến tháng 6 năm nay, toàn ngành có149 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có 84 bác sĩ.
Đối với bác sĩ thôi việc, đa số các bác sĩ có trình độ sau đại học, làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện.
Được biết, đa phần những trường hợp xin thôi việc vì mức lương quá thấp, áp lực làm việc cao.
Ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk – cho biết, đối với địa bàn huyện Ea Súp, việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu ở y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu liên thông.
“Nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc có chiều hướng gia tăng. Qua đó, Sở đề nghị cần quan tâm đến chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở tạo động lực giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ, năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn”, ông Nay Phi La nêu giải pháp.
Cũng Theo ông Nay Phi La, để giải quyết tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế xin thôi việc, đơn vị tiếp tục triển khai công tác tuyển dụng trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk nêu rõ, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách do Trung ương, Bộ ngành quy định, tỉnh Đắk Lắk thực hiện các chế độ chính sách của HĐND tỉnh, quy định một số chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức công tác trong lĩnh vực y tế trên địa bàn.
Thiếu nhân lực thực hiện công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Nói về thực trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, ông Nay Phi La cho biết, hầu hết các cơ sở y tế đều xảy ra tình trạng thiếu thuốc, ở các mức độ khác nhau.
Một số bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu vật tư như: dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, catheter thận nhân tạo, hóa chất sinh hóa…
Nguyên nhân tình trạng trên được người đứng đầu ngành y tế Đắk Lắk nhận định do triển khai thực hiện các văn bản của trung ương còn nhiều khó khăn, trách nhiệm của các cơ quan thẩm định giá còn e ngại, sợ sai và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, toàn ngành có 4 nhân lực thực hiện công tác đấu thầu. Sau đó, liên quan đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014-2015”, có 1 người bị khởi tố, có 2 người nghỉ việc và 1 người thuyên chuyển công tác.
Hiện tại, Sở Y tế chỉ có 2 nhân sự thực hiện chính công tác đấu thầu, ngoài việc thực hiện đấu thầu đối với danh mục thuốc tập trung cấp địa phương.
Báo cáo Sở Y tế nêu rõ, đội ngũ cán bộ y tế chủ yếu được đào tạo kiến thức chuyên môn về y dược, chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác đấu thầu dẫn đến việc một số cán bộ y tế sẵn sàng bỏ việc vì lo ngại sai phạm trong công tác mua sắm, đấu thầu.
Để tháo gỡ tình trạng trên, Sở Y tế Đắk Lắk tiếp tục điều động bổ sung thêm nhân lực từ các cơ sở y tế trực thuộc để thực hiện công tác đấu thầu, trong thời gian chờ đợi UBND tỉnh tổ chức thi tuyển công chức.
Để giảm tải khối lượng công việc, cũng như hạn chế tình trạng nhân lực đấu thầu dàn trải ở từng cơ sở y tế, Sở Y tế sẽ kiện toàn lại công tác tổ chức đấu thầu, kiến nghị UBND tỉnh giao cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh có danh mục sử dụng thuốc có thể bao phủ cho cả tỉnh thực hiện.
Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm thực hiện giai đoạn thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và giám sát, điều tiết quá trình thực hiện thỏa thuận khung.