Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để cách mạng tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế thành công thì cán bộ, công chức, viên chức phải dũng cảm, dám hy sinh vì lợi ích chung.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc liên quan đến con người nên là một yêu cầu khó, nhạy cảm và phức tạp, cần có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất. Bên cạnh đó, việc phải sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích cũng là một bài toán cần thiết phải đặt ra.
Thực sự là một cuộc cách mạng
Xin ông cho biết, vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm lại đưa ra yêu cầu về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy vào thời điểm này?
Hiện nay, cũng là thời điểm đủ các điều kiện cần phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy trong cả hệ thống chính trị.
Nghị quyết 18 đã được tiến hành từ năm 2017 đến nay, nhưng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chủ yếu được thực hiện ở trong các cơ quan hành chính của Chính phủ và các địa phương và trong các cơ quan, tổ chức khác, như các cơ quan của Đảng cũng đã tiến hành nhưng chưa được nhiều.
Vì vậy, trong đợt này, để đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển từ quản lý Nhà nước sang quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu về thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đảm bảo thực hiện chủ trương chống lãng phí trong việc chi cho bộ máy, dành phần có thể tiết kiệm được phục vụ đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh, điều kiện hiện nay và kể cả trong hội nhập quốc tế, chúng ta cũng phải xây dựng bộ máy chính quyền ở Trung ương và địa phương đảm bảo hoạt động như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói đó là “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Để đáp ứng được điều đó, chúng ta phải tinh gọn tổ chức bộ máy và việc tinh gọn đấy chính là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, triển khai trong cả hệ thống chính trị.
Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của tiến trình đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để phát triển và giàu mạnh thì việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy tại thời điểm này là rất cần thiết và đáp ứng được yêu cầu.
Nhiều người lo ngại sẽ có tâm lý né tránh, thậm chí là ngại khi thực hiện tinh giản biên chế trong cách mạng tinh gọn bộ máy. Chúng ta phải làm thế nào để vượt qua được rào cản này?
Sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là công việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, đương nhiên sẽ động chạm đến lợi ích của mỗi người và rất nhiều người.
Để vượt qua được rào cản, vượt qua tâm lý né tránh, trước hết phải có tinh thần mạnh mẽ, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là “phải có quyết tâm chính trị ao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt”, “phải dám dũng cảm, dám hy sinh vì lợi ích chung”.
Khi đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có cách nhìn công tâm, khách quan để đánh giá những người làm được việc và người không làm được việc và phải chịu trách nhiệm về sự đánh giá đó.
Trên cơ sở đấy mới có thể thực hiện chính sách đối với những người không tiếp tục ở lại làm việc sau khi tinh giản biên chế, đồng thời bố trí được những người xứng đáng vào các vị trí của bộ máy mới.
Cần có chế độ, chính sách phù hợp với người dám “hy sinh”
Vậy, trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chúng ta cần có những chính sách và chế độ gì cho những người dám “hy sinh” vị trí công tác vì sự nghiệp chung?
Trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này, chúng ta phải dấn thân, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung, có thể từ bỏ những lợi ích cá nhân của mình hoặc mình bị thiệt thòi một chút để tập trung cho mục đích chung phát triển đất nước.
Tôi từng nói nhiều lần, sự hy sinh đó phải coi như một sự cống hiến vì sự phát triển của đất nước. Sự cống hiến đó phải được ghi nhận và nhà nước phải có chính sách phù hợp để bù đắp một phần nào những hy sinh, thiệt thòi đó.
Vì khi người ta đang làm công việc ổn định, hàng tháng vẫn nhận lương, nhưng bây giờ phải chuyển sang một môi trường khác hoặc phải ra khỏi công vụ, đi tìm một công việc khác phù hợp với năng lực của họ thì phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ về mặt thủ tục, về mặt chế độ, chính sách cũng cần có sự bù đắp để họ yên tâm và đảm bảo được sự ổn định.
Một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh triển khai trong tháng 12 này là nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Là người từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông có đề xuất gì?
Các cơ quan hoạch định chính sách đang triển khai. Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, và các cơ quan khác… sẽ nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành một chính sách phù hợp với khả năng tài chính của đất nước, nhưng cũng phải tạo thuận lợi cho những người do việc tinh gọn tổ chức bộ máy mà phải thay đổi vị trí công tác hoặc rời khỏi công vụ (bao gồm cả những người đang làm việc theo chế độ lao động hợp đồng).
Theo tôi, chúng ta cũng nên học tập kinh nghiệm trong thời gian trước, những năm 1990-1992, khi thực hiện việc sắp xếp, chuyển sang lương mới, tinh giản biên chế, có Nghị quyết 109 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 12/4/1991 và kèm theo đó là Quyết định 111 ngày 12/4/1991 về vấn đề giải quyết các chính sách trong sắp xếp, tinh giản biên chế.
Khi đó chúng ta chia làm 3 nhóm: Nhóm ở lại làm việc, nhóm tạo điều kiện để chuyển đi công tác khác, nhóm thực hiện chính sách dôi dư.
Và kết quả là khi đó, những người chuyển đến nơi khác tìm công việc mới hoặc là những người theo chế độ thôi việc hoặc là nghỉ hưu trước tuổi đều có những chính sách rất thỏa đáng.
Mặc dù hoàn cảnh đất nước khi đó cũng có hạn, mức đãi ngộ, chính sách chưa được cao nhưng đã tạo được sự yên tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho những người đó.
Bây giờ, vẫn có thể kế thừa, tham khảo và xây dựng ban hành các chính sách như: chính sách nghỉ hưu trước tuổi; chính sách thôi việc ngay; chính sách chuyển công tác về các đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách bảo lưu tiền lương và phụ cấp khi thay đổi vị trí công tác…
Mới đây, Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất một chế độ, chính sách đối với những cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội nghỉ công tác. Tôi thấy dự thảo này bước đầu đã đưa ra những chính sách tương đối phù hợp phục vụ cho việc tinh gọn bộ máy lần này.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cach-mang-tinh-gon-bo-may-can-bo-phai-dung-cam-dam-hy-sinh-vi-loi-ich-chung-19224121323375235.htm