Trở về với đời thường lập gia đình và xây dựng kinh tế những cựu thanh niên xung phong vẫn giữ nguyên phẩm chất của người thanh niên xung phong. Từ tay trắng đã gây dựng cho mình một cơ ngơi vững chắc. Đặc biệt đó lại là những cán bộ nữ cựu thanh niên xung phong vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà.
Đến nhà chị Đỗ Thị Vấn ở thôn Phú Thuận, xã Đức Thuận, huyện miền núi Tánh Linh. Nhà chị ở ngay mặt đường bước vào đã thấy ngôi nhà xây khang trang rộng rãi. Trước nhà trồng hoa cảnh đẹp bước qua bên trái là một vườn cây trĩu trái. Đi thẳng ra phía sau là một vườn cao su từng hàng thẳng băng, còn có cả mấy cây sầu riêng đang lủng lẳng trái. Trò chuyện với chúng tôi, chị vẫn với giọng nhỏ nhẹ thân thiện. Chị kể: Từ hồi còn đi làm chị đã chắt chiu để mua được miếng đất. Thời ấy chị là cán bộ phụ nữ huyện. Vừa làm việc nhà nước lại vừa tranh thủ ngày nghỉ lúc rảnh rỗi chăm ngôi nhà và rẫy. Hồi đó đất còn rẻ chị cứ lấy ngắn nuôi dài mua từng miếng một trồng đủ thứ một, khi phong trào trồng cao su có thu nhập cao hơn chị chuyển đổi sang cao su là chính. Cái gì đơn giản thì tự làm cái gì nặng thì thuê thêm người. Cứ thế từng năm, giờ tài sản của chị đã là 4 ha cao su đã vào mùa thu hoạch. Chị còn nuôi thêm 4 con bò. Khi về nghỉ hưu, chị mới tập trung làm kinh tế, nói thì dễ nhưng công việc nhà, công việc đồng áng cũng rất vất vả. Chị cười: “Rồi cũng sẽ quen em à, thức khuya dậy sớm là bình thường. Xong việc nhà thì tập trung lo cho việc hội. Chị làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã cũng lo đủ thứ chuyện cùng các chị trong ban chấp hành. Các gia đình hội viên cũng chủ yếu làm nông nên cũng rất cần vốn, thành lập câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế với số vốn xoay vòng lên đến cả 100 triệu đồng. Với số vốn này các anh chị cho xoay vòng giúp nhau làm kinh tế vừa cải thiện đời sống lại vừa xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Toàn xã có 24 hội viên nhưng sau khi xoay vòng quỹ, quỹ hội vẫn còn 62 triệu đồng. Nhìn chị thành thục dắt mấy con bò trong vườn cao su mà nể. Tổng thu nhập của gia đình chị cũng hơn 600 triệu đồng/năm. Nhìn người phụ nữ đã 66 tuổi nhưng còn mạnh khỏe, tháo vát khiến chúng tôi không khỏi nể phục.
Rời nhà chị Vấn, chúng tôi đến cánh đồng lúa Gia An. Nơi đây bà con làm được lúa 3 vụ nên nhìn cánh đồng lúa đang thì con gái rất đẹp. Từ đường tỉnh lộ vào tầm gần chục km là đến trang trại của chị Nguyễn Thị Lượm ở thôn 8. Gọi là trang trại bởi gia đình chị làm đến 7 ha lúa, xen canh ao sen và nuôi cá. Chị Lượm cũng là Chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong xã. Nhìn chị thành thục vai mang bình đi phun phân thuốc rất dẻo, nhanh nhẹn. Phun thuốc xong chị mang giỏ ra đầm hái sen. Mùa này sen đang rộ bán đài sen 10.000 đồng /1kg cũng kiếm được thêm khá nhiều tiền. Chồng chị cũng là cán bộ hội cựu thanh niên xung phong ở huyện nên mọi việc gia đình đồng áng vào tay chị hết. Nhìn cánh đồng lúa của gia đình mà mê, trải dài mơn mởn. Chị xây hẳn 1 căn nhà tại trang trại để tiện sinh hoạt, còn ngôi nhà khang trang thì ngay trung tâm xã. Chị bảo cũng lấy ngắn nuôi dài, tích cóp khai hoang giờ mới có được như bây giờ. Tổng thu nhập trung bình mỗi năm tầm 900 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn khoản tiền không nhỏ.
Bà Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, cùng anh Nguyễn Ngọc Ẩn, chủ nhiệm CLB cựu TNXP làm kinh tế giỏi, sau khi đi thăm nhà chị Vấn và chị Lượm điều có chung suy nghĩ: “Phải nói các chị rất giỏi, tuy lớn tuổi nhưng các chị vẫn còn tham gia công tác hội, lại vừa phát triển kinh tế gia đình làm giàu chính đáng. Đây là những mô hình kinh tế hay cần lan tỏa!”.