Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để hoàn thiện, hiện trạng ưu – nhược điểm của hệ thống đã được chỉ ra, từ đó đề xuất danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, nhằm tăng sức mạnh cho hệ thống. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất về định hướng sắp xếp, phát triển các trường ĐH công lập trong giai đoạn tới năm 2030.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện trạng của mạng lưới giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay xuất phát từ quan điểm quy hoạch cũ, từ cách tiếp cận dựa trên các chỉ tiêu về số lượng, không gian mà chưa tập trung vào việc sử dụng các công cụ đảm bảo chất lượng để quy hoạch. Chưa thu thập thông tin về thị trường lao động và cơ chế cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu làm cơ sở chính để điều chỉnh số lượng cơ sở đào tạo, cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực. Chưa đưa ra được chính sách để quản lý quy hoạch bao gồm việc giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, đánh giá tình hình phát triển của mạng lưới so với nhu cầu của thị trường lao động.
Từ đó dẫn đến tình trạng một số cơ sở GDĐH được thành lập mới hay nâng cấp một cách nhanh chóng, trong khi không được giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch để có những điều chỉnh kịp thời. Việc triển khai sau quy hoạch thiếu sự sẵn sàng về đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách… nên một số trường sau khi được nâng cấp hoạt động chủ yếu dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý có sẵn hoặc có đầu tư bổ sung nhưng không đáng kể.
Đó là chưa kể đến áp lực mở trường từ các địa phương trong cả nước, dẫn đến tình trạng quy hoạch dàn trải, không cung cấp được đủ nguồn lực cho một số cơ sở GDĐH hay lĩnh vực, ngành trọng điểm để đầu tư phát triển tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới.
Trên hiện trạng đang có, Bộ GD-ĐT đề nghị củng cố, sắp xếp những trường ĐH không đạt chuẩn cơ sở GDĐH theo 3 phương án. Một là tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 – 5 năm. Hai là sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở GDĐH có uy tín. Ba là đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Trong đó, phương án 1 xem chừng là khó thực hiện nhất, bởi liên quan tới 2 yếu tố: đất và tiền. Cả 2 yếu tố này đều có mối liên hệ mật thiết, và quan trọng là đều phụ thuộc vào quan điểm đầu tư: xem ĐH là một nơi sinh lời, hay là một khoản đầu tư cho nguồn nhân lực, tức là đầu tư cho tương lai?
Nếu xác định đầu tư cho GDĐH là đầu tư cho tương lai, các cơ quan chủ quản của các trường ĐH công lập cần phải xác định đầu tư cho ĐH là một “cuộc chơi” lớn.
Nếu không đủ lực thì cần phải biết “buông”, để không cản trở sự phát triển của hệ thống.