Báo cáo tại phiên họp về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật năm 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước…
Do đó, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.
Việc sửa đổi luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Đặc biệt là hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân…
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Thường trực ủy ban này tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước, nhằm tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho việc quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước; khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay và yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung chính sách mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước tại Điều 6 dự thảo luật nhằm bảo đảm tương thích với công ước về sử dụng nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy mà Việt Nam đã tham gia, cũng như bảo đảm tương thích với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thực trạng nguồn nước chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề, do đó tại chương 3 dự thảo luật quy định về bảo vệ tài nguyên nước cần bổ sung thêm khái niệm về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc bảo vệ, phát triển tài nguyên nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực trạng đã bị suy yếu, suy giảm thì chúng ta phải có trách nhiệm phục hồi, phục vụ tài nguyên nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát để bổ sung chức năng rất quan trọng của nguồn nước là chức năng phòng, chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ; điều hòa, chống úng, chống ngập; hành lang bảo vệ nguồn nước; bổ sung khái niệm hành lang thoát lũ…
Về chính sách tài nguyên về tài chính, về tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội tán thành với ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là cần tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định về giá tính thuế, tài nguyên nước theo quy định pháp luật về thuế, giá.
“Giá nước không chỉ là vấn đề mục đích sử dụng, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế – xã hội trong khu vực mà còn theo mức độ khan hiếm tài nguyên nước ở khu vực”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Do đó, các luật thuế cũng phải nghiên cứu có những tỷ lệ thuế suất khác nhau, nhất là những nơi khan hiếm tài nguyên nước thì phải đánh thuế cao. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, bảo đảm quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và khắc phục tính chồng chéo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thì băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phân định rõ phạm vi điều chỉnh với các luật khác có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam để bảo đảm không chồng chéo; rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định trong pháp luật có liên quan, đặc biệt là những vấn đề có cách tiếp cận đa chiều để đưa ra quy định nhất quán, tránh mâu thuẫn…
THẢO NGUYÊN