Vì sao vai trò của tham vấn tâm lý học đường lại đặc biệt quan trọng? Trong quá trình lớn lên của trẻ em, có thể có những tổn thương về thể xác và tinh thần. Sự tổn thương đó có thể đến từ gia đình, trường học hoặc ngoài xã hội.
Tổn thương về thể xác đã có bác sĩ ở bệnh viện. Tổn thương về tinh thần ở mức độ nặng cũng được điều trị ở một số bệnh viện chuyên khoa. Nhưng tổn thương về tinh thần ở mức độ nhẹ, khá nhiều, thì làm sao?
Học sinh từ 11 tuổi trở lên, tuổi dậy thì, tâm sinh lý ở thời kỳ biến động. Nếu môi trường sống (gia đình, nhà trường…) có những tác động tiêu cực, các em bị tổn thương, tâm lý sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo quan điểm của UNESCO, giáo dục có 4 trụ cột: “Học để chung sống; học để biết; học để làm và học để tồn tại”. Trường học không chỉ dạy chữ mà phải dạy người. Trước những tổn thương về tinh thần của học sinh, nhà trường có trách nhiệm chữa lành các vết thương đó.
Từ trước đến nay, giáo viên chủ nhiệm phải làm rất nhiều việc, trong đó có việc tư vấn tâm lý cho học sinh của mình. Cũng có lúc thành công, nhưng nhiều lúc thất bại.
Trong công việc quản trị nhà trường, tôi trăn trở rất nhiều về việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Nếu việc này làm tốt, có thể có nhiều tác dụng tích cực đến giáo dục phẩm chất học sinh, ngăn ngừa bạo lực học đường…
Vì sao cần “3C”?
Năm 2018, Trường Marie Curie (Hà Nội) thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường ở cơ sở Mỹ Đình, với đội ngũ làm việc thường xuyên gồm 5 cán bộ, nhân viên; phòng làm việc 50 m2, có đủ trang thiết bị cần thiết; được cấp kinh phí hoạt động theo năm học.
Năm 2022, trường thành lập thêm một phòng tham vấn tâm lý học đường ở cơ sở mới Văn Phú, với quy mô tương tự cơ sở Mỹ Đình.
Phòng tham vấn tâm lý học đường của trường được tổ chức và vận hành theo nguyên tắc 3C, viết tắt của 3 chữ “chuyên môn – chuyên nghiệp – chuyên trách”.
Chuyên môn: là đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên phải được đào tạo chuyên sâu về tâm lý nói chung và tâm lý giáo dục nói riêng. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, cán bộ tham vấn cần đáp ứng các kỹ năng mềm như: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông, kỹ năng ghi nhớ…
Đồng thời, cần có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, quản lý thời gian và kỹ năng phát triển vấn đề, để có thể xác định đúng vấn đề của học sinh.
Chuyên nghiệp: là các hoạt động của phòng từ hoạt động phòng ngừa (giảm thiểu những rủi ro về sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến học sinh) đến hoạt động tham vấn đều được phân công phù hợp và xác định đối tượng rõ ràng trong quá trình hỗ trợ. Tất cả mọi thành viên tham vấn phải đảm bảo đúng quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Kết quả tham vấn được thể hiện trên các mẫu biểu đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện.
Chuyên trách: là người được tuyển dụng để đảm nhiệm công việc thường xuyên, chỉ làm và chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi công việc được giao.
Sau gần 5 năm hoạt động, trường tôi đã hỗ trợ được hàng nghìn học sinh và phụ huynh, với hàng vạn lượt tham vấn (trung bình 1 học sinh/phụ huynh cần hỗ trợ 5 lần khi gặp khó khăn về tâm lý). Phần lớn học sinh gặp khó khăn về tâm lý chủ động tìm đến phòng tham vấn. Điều này chứng tỏ học sinh và phụ huynh rất tin cậy vào việc tham vấn của các chuyên gia tâm lý.
Kết quả rõ rệt nhất của việc tham vấn tâm lý học đường là: 5 năm nay, các “vụ việc” trong học sinh giảm hẳn, gần triệt tiêu; tạo được môi trường thân thiện; học sinh thích đến trường hơn; mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.