(QNO) – Vận dụng phong trào “Mỗi làng mỗi sản phẩm (OVOP)”, nhiều hộ sản xuất tại Campuchia trình làng sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.
Ở nhiều vùng tại Campuchia, các hộ gia đình và đồn điền trồng các loại cây phổ biến như chuối, riềng, gừng và nghệ, là hoạt động sản xuất truyền thống, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Ngày nay, hưởng ứng phong trào OVOP của Chính phủ Campuchia, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh ứng dụng các sáng kiến để chế biến nguyên liệu cây trồng thành những sản phẩm thu hút nhiều người tiêu dùng hơn cũng như có cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Như cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở làng Ong (xã O’Char, thị trấn Battambang) của chị Seng Samnang có sáng kiến chế biến nhiều loại cây trồng thành bột hỗ trợ sức khỏe đang có nhu cầu cao. Nỗ lực này không chỉ cải thiện sinh kế của cộng đồng nông dân mà còn góp phần mang lại phúc lợi cho người tiêu dùng.
Tháng 2/2021, chị Seng Samnang thành lập và quản lý cửa hàng thủ công mỹ nghệ MLH sau khi gặp các vấn đề về sức khỏe đường ruột và dạ dày. Dù đã dùng nhiều loại thuốc, chị chị Seng Samnang nhận thấy một số hữu ích sau khi ăn bột chuối.
“Bột chuối rất hiệu quả trong việc làm dịu cơn đau dạ dày của tôi. Do đó, ban đầu chúng tôi sản xuất loại bột này để giới thiệu và bán hàng qua trực tuyến” – chị Seng Samnang nói.
Sau đó, Seng Samnang quyết định mở rộng sản xuất để giúp nhiều người cải thiện sức khỏe khi ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm tin dùng. Cửa hàng sản xuất các loại bột giàu dinh dưỡng tự nhiên từ cây trồng.
Chị Seng Samnang nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh của chị nhằm mục đích khuyến khích phụ nữ và thanh niên phát huy khả năng sáng tạo, tham gia vào các hoạt động chế biến và đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội thông qua cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng tự nhiên, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, giúp một số nông sản dễ tiêu thụ hơn.
Bằng cách tìm nguồn nguyên liệu thô từ nông dân ở quận Sangke và Samlot, cửa hàng của chị Seng Samnang đóng vai trò hỗ trợ nông dân địa phương và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ trong cộng đồng. Khoảng 80% thành viên của cửa hàng là phụ nữ.
Ngoài bột chuối, cửa hàng tiếp tục gia công các sản phẩm như bột nghệ, bột riềng, trà gừng mật ong và các mặt hàng mới như dầu mè đen, bột chuối non…
Mặc dù các sản phẩm được xử lý tự nhiên, quy trình sản xuất đòi hỏi sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết. Samnang mô tả 9 công đoạn liên quan đến sản xuất bột chuối bao gồm gọt vỏ, rửa, nghiền, sàng, nghiền bột và đóng gói… Hiện cửa hàng bán ra hàng trăm lon bột mỗi tháng, với giá từ 8 USD cho 300g đến 15 USD cho lon 500g.
Bất chấp thành công hiện tại, chủ doanh nghiệp Seng Samnang có ý định mở rộng hơn nữa.
Sản phẩm của cửa hàng thủ công mỹ nghệ MLH cũng được bày bán tại sân vận động quốc gia Morodok Techo dịp SEA Games 32 với hy vọng sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn cũng như thu hút khách hàng mới.
Trong thời gian diễn ra SEA Games 32, Campuchia trưnng bày 45 sản phẩm sản xuất trong nước, theo chương trình OVOP để du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hàng các sản phẩm địa phương đặc trưng của Campuchia.