Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có nguồn lợi cá đồng tự nhiên rất lớn, với sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Trước đây, do ý thức của người dân chưa cao, khai thác chưa đi đôi với bảo vệ, đặc biệt là dùng xung điện và các hoá chất độc hại trong quá trình khai thác, đánh bắt nên nguồn lợi cá đồng tự nhiên trên địa bàn huyện ngày càng cạn kiệt.
Những năm qua, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là bảo vệ cá non giai đoạn đầu mùa mưa. Gần đây, gắn công tác này với thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 15/11/2023, của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh, cùng các văn bản chỉ đạo khác.
Theo đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội huyện, Công an huyện, Trung tâm Văn hoá – Truyền thông và Thể thao huyện, UBND các xã, thị trấn, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt; tập trung tuyên truyền, giáo dục người dân nêu cao ý thức trong việc khai thác, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, nhất là cá đồng; vận động nhân dân giao nộp, cam kết không mua bán, vận chuyển, sử dụng các công cụ, dụng cụ, các hình thức khác để khai thác có tính huỷ diệt, tận diệt nguồn lợi thuỷ sản hoặc khai thác các loài thuỷ sản chưa đạt kích cỡ theo quy định (cá non), khai thác gắn với khôi phục, bảo vệ nguồn lợi cá đồng tự nhiên đặc trưng của huyện; tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác thuỷ sản theo quy định pháp luật, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, răn đe và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của người dân đối với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Cùng với các địa phương trong huyện, xã Khánh Bình Ðông đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ cá non, gắn với chống khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt.
Ông Cao Văn Ðạt, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xã có địa bàn rộng, số hộ dân sinh sống khá đông. Sau khi có văn bản của UBND huyện về việc tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, UBND xã đã ban hành công văn chỉ đạo các ngành chức năng xã và các ấp tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có bảo vệ cá non giai đoạn đầu mùa mưa. Ðến thời điểm này, xã đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi cá đồng, nhằm làm đa dạng, phong phú các giống loài thuỷ sản và giúp người dân có thêm thu nhập từ nguồn lợi cá đồng tự nhiên, từ đó đã có hơn 4 ngàn hộ tham gia ký cam kết không khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt. Ðã có 26 trường hợp giao nộp bộ dụng cụ kích điện cho Công an xã”.
Thời gian qua, thị trấn Trần Văn Thời thường xuyên quan tâm đến công tác phòng, chống khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt. UBND thị trấn chỉ đạo các ngành liên quan và các khóm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt, tự giác giao nộp dụng cụ kích điện.
“Ðến nay, có 6 trường hợp tự giác giao nộp dụng cụ kích điện cho các ngành chức năng. Ðối với việc bảo vệ cá non, thị trấn thành lập tổ công tác, kết hợp với Ban quản lý chợ thị trấn kiểm tra việc vận chuyển, mua bán cá non giai đoạn đầu mùa mưa. Qua đó, phát hiện, lập biên bản 1 trường hợp bán cá non, thu giữ và thả về tự nhiên. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ cá non, gắn với chống khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt”, ông Trịnh Việt Khái, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết.
Cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, thời gian qua, người dân dần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là bảo vệ cá non, không bắt cá giống (cá lên) và bảo vệ cá non giai đoạn đầu mùa mưa. Nhiều hộ đã quy hoạch lại khuôn hộ để vừa sản xuất lúa, vừa kết hợp nuôi cá đồng tự nhiên, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập và bảo vệ nguồn lợi cá đồng tự nhiên.