Powered by Techcity

Tự tin trồng lúa trên đất mặn



Báo Cà Mau
Tháng 10 âm lịch, nước triều dâng cao, nhiều miếng vuông tôm ở ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước ngập nước, nhiều người lo rào chắn, bồi đất vì sợ tôm, cua đi hết, riêng cả nhà ông Tám Hoàng (Châu Văn Hoàng, 61 tuổi), thì từ sáng tinh mơ đã ra vuông đuổi chim.

Đó là chuyện của năm trước, còn năm nay, vợ chồng ông Tám Hoàng cũng ra đồng, nhưng không phải đuổi chim mà để ngắm nhìn những bông lúa chín vàng uống sương căng mẫy.

Ông Tám Hoàng nhấp ngụm nước trà, kể về mấy năm nuôi tôm lận đận, có khi 3-4 tháng chỉ được vài triệu đồng, nhà đông người, tiền mua gạo một tháng cũng nhiều, chưa nói đến việc lo cho 3 đứa cháu nội học hành. Dù cả nhà cố gắng làm đủ nghề: nuôi chồn, nuôi dê, nuôi heo, nuôi thỏ, rồi bồ câu, gà vịt… Nói chung, loại nào cũng bán được, cũng có lời, mỗi năm cho thu nhập 4-5 chục triệu đồng, nhưng đối tượng nuôi chính là con tôm thường thất bát nên cuộc sống vẫn khá chật vật.

Ông Tám Hoàng thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm.

Ông Tám Hoàng thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm.

Với bản chất nông dân, ông Tám Hoàng nghĩ cứ mạnh dạn làm một vụ lúa, nếu có thì đỡ mua gạo, không có lúa thì cũng có gốc rạ cho tôm ăn, có thể cải tạo môi trường nước, biết đâu tôm sẽ trúng hơn, chuyện này đài, báo đã đưa tin rồi. Nghĩ là làm, giữa tháng 6 âm lịch năm 2023, ông bắt đầu cải tạo đất. Ông rút hết nước mặn, phơi đất, trữ nước mưa ngâm đất khoảng một tháng, chờ có nắng lại rút hết nước lần nữa, nắng thì phơi, mưa thì chứa nước ngọt ngâm tiếp. Cuối tháng 8 âm lịch, ông mua lúa giống về ngâm, sạ.

Vụ mùa năm 2023, ông mua 60 kg lúa giống về sạ, sau 3 tháng thu hoạch được hơn 60 giạ lúa. Tạm gọi là thành công, bởi năm đầu chưa có kinh nghiệm, ông sạ quá thưa, lại gặp mưa nhiều, đúng lúc triều cường dâng… kết quả không cao. Qua vụ mùa, ông nghiệm ra rằng, đâu phải chỉ ở vùng khép kín giữ ngọt mới làm được lúa, mà vùng đất mặn của ông nếu rửa mặn tốt, bờ bao chắc chắn thì làm một vụ lúa sẽ thành công.

Vụ mùa năm 2024, ông Tám Hoàng bắt đầu rửa mặn đúng theo kinh nghiệm tích luỹ ở vụ trước. Vụ này, ông mua máy suốt, máy múc đất bồi bờ, để nước không rò rỉ vô được, lại còn bỏ tiền mua cao su dày bao quanh cả miếng vuông để chuột không vào được. Trên bờ vuông làm rập bắt chuột theo kiểu truyền thống. Với gần 1 ha đất, ông mua 120 kg lúa giống Hương Châu 6 và DNG 20 về ngâm, sạ. Năm nay mưa nhiều, triều cường lại cao hơn những năm trước, nhưng nhờ chuẩn bị chu đáo nên luôn có lượng nước đủ cho lúa phát triển.

Hơn 1 tháng, nhìn cánh đồng xanh mướt, ai cũng trầm trồ. Sau 3 tháng, lúa đã chín vàng đồng. Hiện ông đã thu hoạch gần 0,2 ha, được khoảng 1.200 kg lúa. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Ý khoe: “Ðà này, gần 1 ha lúa của nhà tui chắc ăn sẽ được trên 5 tấn lúa hột. Một kết quả mà vợ chồng tui không dám mơ”.

Ông Tám Hoàng tâm sự: “Làm lúa trên đất mặn không phải vùng quy hoạch cực lắm, phải tính toán sao cho lúa chín trước khi nước mặn độ cao vào, rồi bờ bao phải cao, do ít người làm nên nguy cơ chim chuột phá hại cao… Phải tìm hiểu về kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc. Vì làm lúa trong vuông tôm nên không được sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ bổ sung phân bón để cây lúa phát triển, nhưng bổ sung phân gì, thời điểm nào, liều lượng ra sao… phải nghiên cứu tỉ mỉ”.

Ông Tám Hoàng cho biết, làm được một vụ lúa trên đất tôm không đơn thuần là để có lúa ăn, mà môi trường vuông tôm được cải tạo rõ rệt, nuôi tôm trúng hơn, con tôm cũng đẹp hơn, giá bán cao hơn. Năm trước, do chưa có kinh nghiệm, chỉ nuôi một vụ tôm, bán được hơn 30 triệu đồng. Năm nay, rút kinh nghiệm, ông mua tôm giống về dèo trước, khi cắt hết lúa sẽ thả tôm nuôi ngay. Ông dự kiến một năm sẽ nuôi được 2 vụ tôm và làm một vụ lúa.

Thấy ông Tám Hoàng làm lúa hiệu quả, những người có đất cặp ranh cũng đã làm theo. Hai năm liên tục, ông Tám Hoàng làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm ngoài vùng khép kín đạt kết quả cao, mở ra cơ hội để nông dân ngoài vùng khép kín ngọt hoá tự tin làm một vụ lúa trên đất tôm./.

 

Huyền Linh

 



Nguồn: https://baocamau.vn/tu-tin-trong-lua-tren-dat-man-a35943.html

Cùng chủ đề

Cà Mau nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh...

Cùng tác giả

Bánh phồng tôm đón Tết

Cà Mau nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ). Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh...

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất