Mỗi lần chỉ huy tàu không số chở vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, đi qua vùng biển miền Trung, lòng vị thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (quê Phú Yên) lại trĩu nặng. Nhiều lần ông chỉ về đất liền rồi nói với đồng đội, đôi khi tự nói với chính mình: “Phía mặt trời lặn, nơi đó là quê hương tôi”. Ông ước ao được một lần nhận lệnh chở vũ khí về chi viện cho bà con quê mình đánh giặc, về thăm lại quê hương đã hơn 10 năm xa cách.
Cuối năm 1964, nhu cầu vũ khí ở chiến trường Khu 5 rất cấp thiết. Tỉnh ủy các tỉnh ven biển Khu 5 cử người mang thư ra Trung ương xin chi viện vũ khí. Theo chỉ thị của Trung ương, tàu 41 nhận nhiệm vụ chở 63 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô (Phú Yên) chi viện cho chiến trường Khu 5, đồng thời mở ra nhánh mới cho đường Hồ Chí Minh trên biển.
“Khi được giao nhiệm vụ mở đường vào bến Vũng Rô, chi viện vũ khí cho chiến trường Khu 5, tôi mừng lắm. Ước ao bấy lâu cũng thành hiện thực. Quay trở về, tôi cùng các anh em lao vào công tác chuẩn bị, nghiên cứu hải đồ, bến tàu…, để chuyến đi thật hoàn hảo”, anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể.
Ngày 18.11.1964, tàu 41 chở theo 63 tấn hàng rời bến Bãi Cháy (Quảng Ninh). Gió mùa Đông Bắc tràn về, biển động với những đợt sóng cao như muốn nuốt con tàu. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể, khoảng 12 giờ ngày 28.11.1964, khi cách bờ 120 hải lý, tàu bắt đầu hướng vào Vũng Rô. Nhưng muốn vào Vũng Rô, tàu 41 phải xuyên qua 3 tuyến tuần tiễu của hải quân địch. Khi cách bờ 20 hải lý, tàu 41 không nhận được đèn tín hiệu từ Mũi Điện, nghi vấn tàu vào không đúng bến khiến thủy thủ đoàn lo lắng.
Thuyền trưởng Thạnh quyết định cho tàu tiếp tục vào bến theo hướng đã định. Khi cách bờ 1 hải lý, chính trị viên trên tàu 41 phát tín hiệu nhưng qua 10 phút vẫn không thấy người của ta ở bến hồi đáp.
“Sau khi phát tín hiệu đèn đã hiệp đồng, tàu chúng tôi không nhận được đèn hồi đáp. Một lần nữa nghi vấn vào không đúng bến lại tràn trong suy nghĩ. Tôi cho tàu 41 giảm tốc, lưới ngụy trang trên các ụ súng máy được tháo ra, anh em vào thế sẵn sàng chiến đấu. Nhưng lúc đó thì phía mạn trái tàu dần hiện ra một hòn đảo. Đó là Hòn Nữa. Tôi biết cửa Vũng Rô đã ở trước mặt”, ông Thạnh nhớ lại.
Tàu 41 thả trôi giữa Vũng Rô, chiếc xuồng ba lá được thả xuống chở theo 2 chiến sĩ mang theo vũ khí vào phía bờ bắt liên lạc với bến. Thời gian chậm chạp trôi qua cho đến khi có tín hiệu đèn nhận nhau. Khoảng 23 giờ 50 ngày 28.11.1964, tàu 41 vào bến Vũng Rô. Phút giây gặp gỡ, ai nấy cũng nước mắt nghẹn ngào. Theo lệnh, tàu 41 chỉ được ở lại bến Vũng Rô đến 3 giờ phải rời bến.
“Lúc tôi nói tàu 41 chỉ được phép ở lại bến Vũng Rô từ 0 giờ đến 3 giờ sáng thì anh Sáu Râu (Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Bến trưởng Vũng Rô) tỏ vẻ lo lắng. Anh Sáu bảo chỉ xin Trung ương 6 – 7 tấn vũ khí, giờ tận 63 tấn vũ khí thì không đủ lực lượng để bốc dỡ hàng”, anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại.
Để tìm hướng giải quyết, cuộc họp chi bộ được triệu tập ngay trong đêm. Hai phương án được đưa ra, một là cho tàu 41 ra khỏi lãnh hải, chờ tối hôm sau vào, hai là ở lại bến ngụy trang thật kín để tối hôm sau bốc hàng. Thuyền trưởng Thạnh chốt phương án cho tàu 41 ở lại bến ngụy trang. Đây là quyết định táo bạo, nếu bị địch phát hiện, không những phải hủy tàu 41 mà con đường bí mật bấy lâu gìn giữ sẽ bị lộ, cách mạng miền Nam gặp khó. Nhưng nếu ra khỏi lãnh hải, đến khi vào lại, qua 3 cửa tuần tiễu không phải chuyện dễ dàng.
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cho tàu 41 cập vào núi Bãi Chùa. Đến 4 giờ sáng, tàu ngụy trang xong, chờ đêm xuống, dân công hết tốc lực dỡ hàng.
“Ai cũng làm việc hết tốc lực, thấy có chiến sĩ bốc hàng dưới hầm mồ hôi ướt đẫm, tôi bưng ca nước đến mời anh. Anh đón nhận ca nước rồi ngập ngừng cho tôi biết đã mấy ngày nay đơn vị phải ăn trái sung cầm cự, vì một tiểu đoàn địch phục kích suốt ngày trên đường số 1 nên gạo tiếp tế không đến được, anh em không có đồ ăn. Tôi nghe mà nghẹn ngào, hứa với lòng khi trở về Bắc, nếu có chuyến thứ 2 vào bến Vũng Rô sẽ mang gạo về cho bà con”, ông Thạnh kể.
Đêm 25.12.1964, tàu 41 cập bến Vũng Rô lần 2, chở theo 3 tấn gạo. Đêm hôm đó, ai cũng mừng vì được bữa cơm ngon. 23 giờ 50 ngày 1.2.1965, tàu 41 có chuyến thứ 3 cập bến Vũng Rô trong thời khắc giao thừa đón năm mới Ất Tỵ.
Tháng 11.1966, tàu 41 xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng) điểm đến là Bãi Ngang – Đức Phổ (Quảng Ngãi). 23 giờ ngày 27.11.1966, tàu vào đúng bến Bãi Ngang. Đến 4 giờ ngày 28.11.1966, sau khi thả 2/3 số hàng xuống biển, tàu 41 bị sóng đánh cong chân vịt không thể cơ động. Để đảm bảo bí mật nơi thả hàng và tránh tàu rơi vào tay địch, thuyền trưởng Thạnh cho nổ bộc phá, hủy tàu 41. Trong chuyến đi thứ 11, 2 chiến sĩ Dương Văn Lộc và Trần Nhợ đã mãi mãi nằm lại Bãi Ngang – Đức Phổ.
2 tháng sau tàu mới mang phiên hiệu 41 tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ông Thạnh được cấp trên đề bạt là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1, Đoàn 125 HQ.
Do nhu cầu chiến trường, năm 1969, ông Thạnh được điều động làm Thuyền trưởng tàu 54. Ngày 31.11.1969, tàu 54 rời Hạ Long (Quảng Ninh) điểm đến là Vàm Lũng (Cà Mau). Chuyến tàu thứ 12 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đi vòng qua các nước Đông Nam Á nhưng khi tàu vào bến Vàm Lũng thì bị địch phát hiện. Để tránh xảy ra cuộc chiến và đảm bảo con đường bí mật, thuyền trưởng Thạnh cho tàu đi về đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Ngày 3.2.1970, tàu 54 quay về cảng Hải Phòng. Hành trình tàu không số trên biển của Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh kết thúc.