“Tập trung các dự án chậm tiến độ, dự án có khối lượng những chưa làm hồ sơ thi công, dự án còn vướng mặt bằng… để tạo sự chuyển biến thực sự trong giải ngân vốn đầu tư công”, đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi tại hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024 vào ngày 9/10. Cùng chủ trì hội nghị còn có các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Sử, Nguyễn Minh Luân.
Theo đó, các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Kết quả công bố của Tổng Cục thống kê cho thấy, GRDP 9 tháng năm 2024 của tỉnh Cà Mau ước tăng 6,45% so cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,43%, khu vực dịch vụ tăng 8,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,33%. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9%, chỉ số sản xuất công nghiệp luỹ kế tăng 5,1%…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi phát biểu tại hội nghị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đây đến cuối năm còn rất lớn, cần phải có giải pháp để tạo đột phá. Nhiều năm qua, đến thời điểm này tiến độ giải ngân của tỉnh luôn cao hơn rất nhiều so với trung bình cả nước, nhưng năm nay thấp hơn số trung bình cả nước và khu vực. Ngoài ra, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; chống khai thác bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng như thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ thị 10 của UBND tỉnh là những nội dung mà các sở, ngành và chính quyền địa phương phải đặt biệt quan tâm.
Tính đến ngày 27/9/2024, kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã giải ngân đạt hơn 2.366 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch vốn, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 6 chủ đầu tư giải ngân không đạt tiến độ theo Chương trình hành động số 01 nhưng giải ngân trên mức bình quân của tỉnh (54,3%), có 8 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh và 1 chủ đầu tư chưa giải ngân. Cụ thể: UBND huyện Trần Văn Thời giải ngân đạt 54,2%; Sở NN&PTNT đạt 51%; Vườn Quốc gia U Minh Hạ 45,7%; UBND huyện Đầm Dơi 44,3%; Ban Quản lý các dự án ODA – NGO 41,3%; Sở Xây dựng 35%; Ban Quản lý dự án công trình xây dựng 14,9%.
Theo ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% trở lên theo kế hoạch trong năm 2024 là vô cùng khó khăn. Do đó, đề nghị các sở, ngành rà soát lại toàn bộ kết quả các nhiệm vụ của mình để tính đúng, tính đủ, góp phần vào tốc độ tăng trưởng chung. Đồng thời, phải quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Với nguồn vốn còn lại thì từ đây đến cuối năm trung bình mỗi tháng phải giải ngân gần 1.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần trung bình so với từ đầu năm đến nay.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, từ đây đến cuối năm, trung bình mỗi tháng phải giải ngân gần 1.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần trung bình so với từ đầu năm đến nay.
Cũng liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Tài chính Đoàn Quốc Khởi cho biết, tình trạng chậm quyết toán các công trình, dự án thời gian qua không có chuyển biến, có những công trình nhóm B nguồn vốn rất lớn nhưng vẫn chưa quyết toán nên để lại nhiều hệ luỵ rất lớn từ ngân sách cho đến đất đai.
Đối với công tác chống khai thác IUU, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hơn 528 tàu thuộc nhóm “tàu 3 không”, các địa phương đã xử lý được 232 tàu, số còn lại đã tiếp cận tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Đồng thời, đối với phương tiện không đủ điều kiện sẽ kiên quyết không cho ra biển. Ngoài ra, tàu thuộc nhóm có nguy cơ cao đã được thống kê chặt chẽ, quyết tâm từ nay đến cuối năm không để vi phạm vùng biển nước ngoài.
Phó Chủ tịch phụ trách điều UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án để tháo gỡ khó khăn, tạo chuyển biến thật sự trong giải ngân từ nay đến cuối năm. (Trong ảnh: Dự án nâng cấp đoạn giao thông khu vực xã Khánh An, chụp ngày 15/8)
Kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch phụ trách điều hành UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo, người đứng đầu sở ngành, đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm của mình là người đại diện cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ thuộc ngành và lĩnh vực trong phạm vi toàn tỉnh. Ứng dụng và khai thác đối đa công nghệ thông tin để xử lý công việc trên môi trường mạng để hạn chế mất thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả. Tăng cường kiểm soát công việc mà ngành, lĩnh vực mình quản lý thật chặt, tránh tình trạng khoán trắng cho đơn vị tư vấn hay cán bộ cấp dưới. Các sở, ngành và địa phương giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ, phần việc đã có ý kiến chỉ đạo./.
Nguyễn Phú
Nguồn: https://baocamau.vn/tap-trung-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a34881.html