Ngày 4/12, bà Jasmien De Winne, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam; ông Marc Fransen, Tuỳ viên ban DGEO.6 – Tổng vụ Hợp tác Phát triển Bỉ (DGD – Brussels) cùng đoàn công tác tổ chức Oxfam đi tham quan thực tế mô hình sản xuất lúa tôm tại ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời.
Bà Jasmien De Winne, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam (người mặc áo đen) và ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (người đội nón) tham quan thực tế mô hình sản xuất lúa – tôm tại Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời.
Mô hình sáng kiến sản xuất lúa tôm tại ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời được tổ chức tổ chức Oxfam phối hợp với Ban quản lý Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” Trung ương Hội nông dân triển khai thực hiện tại ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời với tổng số tiền trên 679 triệu đồng, trong đó vốn do ngân sách dự án hỗ trợ 223 triệu đồng, vốn đối ứng của thành viên tổ nhóm 456 triệu đồng. Các hạng mục thực hiện bao gồm: lúa giống, tôm giống, phân bón, đồ bảo hộ lao động.
Sau hơn 3 tháng xuống giống, mô hình lúa – tôm ở Cái Bát đang thu hoạch, năng suất đạt trên 5 tấn/ha.
Qua gần 1 năm triển khai, mô hình mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hài hoà với môi trường tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và đã tận dụng được 2 đối tượng nuôi trồng trong một hệ sinh thái, trên cùng một diện tích góp phần nâng cao giá trị hàng hoá, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Tạo thêm nhiều việc làm hơn cho nữ nông dân. Trong hoạt động sản xuất lúa, lao động nữ tham gia nhiều nhất vào khâu cấy, giặm và phơi lúa; trong nuôi tôm quảng canh, phụ nữ tham gia nhiều nhất ở công đoạn thu hoạch và bán sản phẩm do hoạt động này thường thực hiện mỗi ngày nhưng không tốn nhiều sức lao động và phụ nữ cũng là người giữ tài chính để chi tiêu nông hộ hằng ngày. Đặc biệt giúp cho nhiều nữ nông dân trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo thói quen trong việc sản xuất các loại nông sản an toàn trong mỗi gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.
Bà Nguyễn Minh Châu, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm, ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn đã nâng cao nhận thức cho các hội viên nông dân về bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động, kinh tế tập thể, bảo hiểm xã hội, canh tác lúa tôm an toàn, với sự tham gia nhiều hơn của nữ nông dân.
Đoàn công tác tổ chức Oxfam lắng nghe chia sẻ của bà con nông dân, ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời.
Từ những thay đổi về nhận thức, các hội viên nông dân trong xã đã dần thay đổi cách làm. Ví dụ như trước đây phun thuốc không có sử dụng bảo hộ lao động hoặc thuê máy bay phun thuốc đứng xung quanh mà không đeo khẩu trang, nhưng hiện nay trong lao động nông nghiệp nông dân đã nhận thức phải có đồ bảo hộ lao động đầy đủ. Các vấn đề an sinh xã hội cũng được người dân quan tâm hơn; đến nay trong toàn xã, người dân tham gia BHYT đạt trên 95%; BHYT đạt trên 10%.
Ông Võ Văn Lạc, Phó chủ tịch UBND xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, mong muốn dự án tiếp tục được đầu tư nhân rộng ở các tổ, nhóm nông dân khác trên địa bàn xã. Do khâu thu hoạch lúa của nông dân còn khó khăn, thiếu nhân công, dự án tiếp tục đầu tư máy gặt đập liên hợp cỡ nhỏ để phù hợp tình hình thu hoạch của địa phương.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ: “Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” thực hiện tại 28 tỉnh, thành trong cả nước với mục tiêu đem lại những lợi ích thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường làm việc đối với nông dân; đặc biệt là lao động nữ để thực hiện bình đẳng giới.
Trung Đỉnh – Trầm Nghĩ
Nguồn: https://baocamau.vn/tao-dieu-kien-lao-dong-tot-hon-cho-nu-nong-dan-a35954.html