Ngày 20/11, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác thi công tại hai dự án cao tốc đang triển khai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là dự án cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau) và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Sau khi kiểm tra thực địa và nghe các đơn vị báo cáo, Phó thủ tướng đánh giá: vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của cả hai dự án vẫn là nguồn vật liệu cát đắp.
“Trong quá trình thi công dự án, khó khăn nhất định là phải có. Khó khăn vướng mắc đến đâu, chúng ta sẽ bàn và giải quyết đến đó”, ông nói. Phó thủ tướng ghi nhận các lãnh đạo địa phương quyết tâm rất cao, mọi tài nguyên đều tập trung cho công trình trọng điểm và “đây là vấn đề hết sức thuận lợi”.
Nhấn mạnh cao tốc Cần Thơ- Cà Mau phải hoàn thành trong năm 2025, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư phải tập trung nguồn cát đắp nền cho dự án, ưu tiên điều phối cát từ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ- Sóc Trăng sang cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Đối với nguồn vật liệu cát, Phó thủ tướng cho rằng, cát biển là giải pháp lâu dài. Tuy nhiên hiện nay, công suất khai thác cát biển ở Sóc Trăng đang chậm tiến độ khoảng 50%. Nguyên nhân là do chỉ khai thác được 15 ngày/tháng. Vì vậy, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch khai thác chi tiết phù hợp với điều kiện thời tiết.
Cạnh đó, cần tính toán phương án điều động sà lan hút, phương tiện vận chuyển có tải trọng lớn, cần thiết thì thuê từ nước ngoài. Đồng thời tăng công suất khai thác cát mỏ, đưa cát về công trường đảm bảo tiến độ chung của dự án.
“Chúng ta phải tính toán, nếu những vấn đề nào mà đã cố gắng hết sức rồi nhưng không thay đổi được nữa thì phải tính đến bài toán khoa học công nghệ, giải pháp thay thế”, Phó thủ tướng lưu ý.
Phó thủ tướng cũng đề nghị, trong quá trình thi công và khai thác cát, các đơn vị phải đảm bảo dòng chảy thông thoáng, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài hơn 110km và 117 cây cầu trên tuyến chính. Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, hiện các địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng, còn vướng khoảng 200m (bãi rác) tuyến nối trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Dự kiến trong tháng 12/2024 sẽ hoàn tất việc di dời.
Về tiến độ của dự án, sản lượng thi công đến nay đạt hơn 50% kế hoạch. Trong đó, tuyến chính đã đắp hoàn thành gia tải 36%; hoàn thành bản mặt 41 cây cầu. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đắp gia tải tuyến chính và các cầu còn lại.
Đến nay, các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã cấp cho dự án tổng cộng 20 mỏ cát sông, với tổng trữ lượng 19 triệu m3. Tuy nhiên hiện nay tỉnh An Giang đã tạm dừng khai thác 7 mỏ, nguyên nhân là do khai thác quá độ sâu thiết kế, chất lượng xấu và có nguy làm cơ sạt lở bờ sông.
Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tích cực làm việc với tỉnh An Giang để sớm đưa hai mỏ đã khắc phục xong các tồn tại vào khai thác trở lại.
Đối với dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang (chủ đầu tư) cho biết, dự án qua địa phương dài hơn 36km với 3 nút giao và 24 cầu trên tuyến chính.
Trong thời gian qua, Hậu Giang đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công quyết liệt. Tuy nhiên do tình trạng cát khan hiếm, sản lượng thi công hiện đạt khoảng 26%. Các nhà thầu chỉ mới gác dầm được 5 cầu, các cầu còn lại đang đẩy nhanh tiến độ thi công mố, trụ.
Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 6 triệu m3 cát. Vừa qua, dự án được tỉnh An Giang hỗ trợ mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3. Địa phương đã điều phối sang cao tốc Cần Thơ – Cà Mau 500.000m3.
Tỉnh Bến Tre cũng cam kết hỗ trợ cho dự án 3,4 triệu m3 cát. Dự kiến đầu tháng 12 sẽ cấp trước 1,5 triệu m3. Như vậy đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án.
Chiều nay, tại tỉnh Sóc Trăng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc với các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, cung ứng nguồn nguyên liệu cát, đá… cho các dự án khu vực phía Nam.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 188km, được phân thành bốn dự án thành phần và lần lượt giao cho các địa phương có dự án đi qua triển khai thực hiện. Đó là tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Công trình có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.