Tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, đã hình thành nên các điểm du lịch, dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn dưới tán rừng, với mục tiêu vừa làm kinh tế du lịch vừa gắn với bảo vệ “lá phổi xanh” theo hướng phát triển bền vững.
Tươi mới khu du lịch sông trẹm
Khu Du lịch Sông Trẹm, Ấp 17, xã Khánh Thuận, đang được du khách quan tâm. Ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng ban Quản lý Khu Du lịch, chia sẻ: “Ðược tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến lộ từ cầu Chữ Y vào khu du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi để du khách vào tham quan tại đây nhiều hơn”. Từ đầu năm đến nay, Khu Du lịch Sông Trẹm đón trên 10 ngàn lượt khách.
Với diện tích rừng trên 110 ha, Ban Quản lý dành 12 ha đầu tư cho phát triển du lịch. Ðể đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, Khu Du lịch Sông Trẹm đang hình thành nên những tour, tuyến bài bản, đầu tư nuôi hươu cao cổ, đà điểu và nhiều loài động vật hoang dã khác. Nắm bắt nhu cầu của du khách, khu du lịch này hiện nay tạo ra được nhiều điểm mới, góp phần đa dạng sắc màu du lịch dưới tán rừng, như đầu tư tuyến đường hoa mua tím, tuyến đi bộ xuyên rừng, tuyến đường sơ ri…
Tuyến đi bộ trải nghiệm dưới tán rừng hơn 40 năm tuổi.
“Ðặc biệt, để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách khi đến đây trải nghiệm, đơn vị lập 2 tuyến xuyên rừng, bằng phà và vỏ máy. Ðối với tuyến xuyên rừng bằng phà, du khách có thể dùng bữa trên phà, rồi giao lưu đờn ca tài tử giữa không an yên bình. Còn tuyến xuyên rừng bằng vỏ máy, mấy tháng trước không khai thác vì nắng hạn, nước dưới kênh khô cạn; hiện đang là mùa mưa, mực nước dưới kênh đảm bảo cho di chuyển và đã có nhiều đoàn khách trải nghiệm bằng hình thức này, qua ghi nhận du khách rất thích thú”, ông Khởi chia sẻ.
Du khách có thể tham quan, xuyên rừng bằng vỏ lãi.
Ðà điểu được nuôi trong Khu Du lịch Sông Trẹm thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất U Minh Hạ.
Ðến với Khu Du lịch Sông Trẹm, du khách cảm thấy mê đắm trước vẻ đẹp của những cánh rừng còn nguyên vẹn nét hoang sơ. Theo ghi nhận, đa phần khách đến đây tham quan, du lịch là khách đoàn, nhiều hơn khách lẻ. Nhu cầu tổ chức sự kiện thời gian gần đây cũng nhiều, nhưng tại khu du lịch chưa có điểm để tổ chức sự kiện lớn. Ðể đáp ứng nhu cầu của du khách, Ban Quản lý đang làm việc với bên tư vấn để xúc tiến xây dựng khu tổ chức sự kiện và sẽ khởi công, đến cuối năm 2024 thì có thể đưa vào sử dụng. Khu này có thể nhận tổ chức tiệc, sự kiện, tiệc cưới…
“Khu Du lịch Sông Trẹm có thế mạnh là hệ sinh thái rừng tràm trên 40 năm tuổi, dưới tán rừng đa dạng loài động thực vật, là “vườn thú” lớn nhất của tỉnh. Hướng tới, chúng tôi sẽ phát triển khu du lịch theo hướng là nơi vui chơi, nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách, làm sao có thể níu chân được du khách khi đặt chân đến đây”, ông Khởi tâm huyết.
Mô hình du lịch mới
Những ngày này, vườn nho Minh Duy, Ấp 15, thu hút được nhiều du khách đến đây tham quan, trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh. Vườn nho Minh Duy nằm cách trung tâm thị trấn U Minh chỉ hơn 3 km, đường lộ xe lớn nên thuận lợi cho du khách về đây tham quan, du lịch.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, chủ vườn nho, chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng không định làm du lịch gì đâu, chỉ là tận dụng 30% diện tích đất lâm nghiệp trồng nho, thêm cây ăn trái để cuối tuần cho con cái về đây nghỉ dưỡng, hưởng không khí trong lành. Nhưng đến khi nho ra trái thì mọi người bảo tôi nên mở cho người dân vào tham quan. Bước đầu, thu hút rất nhiều lượt khách đến đây trải nghiệm”.
Cây nho đã bén đất rừng U Minh Hạ, trở thành đối tượng săn đón của du khách.
Nếu trước đây muốn tham quan vườn nho thì phải ra đến Ninh Thuận, giờ trên vùng đất nhiễm phèn, mặn Cà Mau, du khách có thể tham quan, hái trái tại vườn. Vườn nho Minh Duy là vườn nho thứ hai được trồng thành công ở Cà Mau, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, du lịch nội địa là lựa chọn của nhiều hộ gia đình. Chị Diệp Trúc Linh, Ấp 2, xã Khánh Tiến, chia sẻ: “Hè này mấy đứa con tôi đòi đi du lịch, nhưng đi xa thì chi phí cho vé tàu, vé xe cao quá, gia đình kham không nổi. Cho nên, tôi chọn cho bọn trẻ đi chơi vòng vòng các điểm du lịch trong tỉnh, vừa tiện, chi phí không quá đắt đỏ, mà còn giúp bọn trẻ hiểu hơn về quê hương Cà Mau của mình”.
“Du khách đến đây đa phần là người dân trên địa bàn huyện và các huyện của tỉnh Kiên Giang. Du khách vừa tham quan vừa được thưởng thức tại chỗ giống trái cây sạch. Vì mới vụ đầu nên chưa đáp ứng được nhu cầu mua về của khách. Thời gian tới, tôi dự định trồng thêm 100 gốc nho sữa. Hiện vườn nho có 3 giống, là nho sữa, nho hạ đen và giống nho hồng ngọc. Mỗi loại cho trái khác nhau, nên nếu phát triển du lịch thì thời gian tới tôi có thể chủ động thời gian ra trái của cây để phục vụ nhu cầu của du khách”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Phạm Quốc Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, phấn khởi: “Trên địa bàn xã có 3 điểm du lịch sinh thái. Những năm qua, hoạt động du lịch dưới tán rừng có sự phát triển rõ nét, lượt khách đến tham quan du lịch ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng từng bước được phát triển, dịch vụ du lịch từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Lộ được đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện cho du khách về tham quan, du lịch.
“So với những địa phương khác thì du lịch sinh thái của xã mới bắt đầu, thời gian tới cần hoàn thiện rất nhiều để thu hút du khách. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Ðồng thời, kết nối với các điểm du lịch ở địa phương khác để phát triển tour, tuyến, nhằm thu hút được nhiều du khách về đây”, ông Thiện chia sẻ thêm./.
Kim Cương
Nguồn: https://baocamau.vn/phat-trien-du-lich-duoi-tan-rung-a33233.html