Powered by Techcity

Nông sản sạch luôn có đầu ra



Báo Cà Mau
Nhằm liên kết, đa dạng hoá các sản phẩm nông sản sạch và ổn định đầu ra, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước đã thành lập tổ hợp tác (THT) xây dựng mô hình trồng màu. Việc thực hiện mô hình này vừa hạn chế cỏ dại, vừa có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hằng ngày và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Những năm qua, mô hình trồng màu của Chi hội Phụ nữ ấp Thị Tường đã thu hút nhiều hội viên tham gia thực hiện và đạt kết quả khả quan. Với mong muốn cung ứng nông sản sạch và ổn định kinh tế, chi hội đã vận động phụ nữ ở địa phương tham gia THT trồng màu, hiện nay đã có 19 thành viên.

Theo đó, THT là nơi để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp kỹ thuật canh tác, giống, cũng như góp vốn xoay vòng giúp đỡ các hội viên bước đầu thực hiện mô hình trồng màu. Với mục tiêu tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, THT đã vận động thực hiện trồng màu bờ bao vuông tôm.

Mô hình trồng màu của THT ấp Thị Tường mang lại hiệu quả kinh tế.

Bà Trần Ánh Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, THT đã vận động các hộ trồng màu, đồng thời chia sẻ mô hình canh tác hiệu quả đến chị em trong hội. Hiện tại, 19 thành viên trong THT đều có kinh tế ổn định, không có hộ nghèo”.

Nhằm hỗ trợ bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chi hội thường xuyên phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cái Nước tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng và các phương pháp canh tác tiên tiến. Từ đó, bà con được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Bà con ở đây cho biết, mô hình này không cần vốn đầu tư nhiều, chủ yếu tốn công chăm sóc nhưng thu về lợi nhuận ổn định. Chị Nguyễn Hồng Nga, thành viên THT, chia sẻ: “Nhờ tận dụng bờ vuông, đất trống để trồng rau màu nên thu nhập của gia đình tôi ngày càng ổn định. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, tôi lãi từ 2-3 triệu đồng, từ đó đời sống ngày càng được nâng lên”.

Nhờ áp dụng mô hình trồng màu hiệu quả, THT đã gặt hái được thành công, ổn định nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường, giúp cải thiện đời sống các thành viên. Ðiểm nổi bật của mô hình này là có thể canh tác quanh năm, đa dạng hoá mùa vụ từ nhiều loại nông sản khác nhau như: bắp, dưa leo, đậu đũa, dưa gang… Bên cạnh đó, các thành viên còn kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng và phát triển kinh tế bền vững. 

Trước đây, các hộ dân sản xuất nông sản riêng lẻ, quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường, thường xuyên gặp tình trạng nguồn cung thiếu hoặc dư thừa, ảnh hưởng đến chất lượng và tiêu thụ sản phẩm… Từ khi THT được thành lập đã góp phần giải quyết khó khăn này. Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, THT còn sử dụng nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo… để quảng bá và đăng bài bán sản phẩm nông sản thu hoạch tại vườn. Kết quả là, đời sống kinh tế của các thành viên THT cải thiện đáng kể, trung bình mỗi hộ có thêm nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi năm từ mô hình. 

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ấp Thị Tường, cho biết: “Mô hình trồng màu của THT đã trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, địa phương tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân áp dụng vào thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”./.

 

Quách Nguyên – Diễm Huỳnh

 



Nguồn: https://baocamau.vn/nong-san-sach-luon-co-dau-ra-a33535.html

Cùng chủ đề

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm vùng ĐBSCL

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm vùng ĐBSCLCác tỉnh vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chủ lực như gạo, tôm, cá tra, rau, quả… Thặng dư hơn 8 tỷ USD Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL đạt 15,7 tỷ...

Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đây là hội nghị nằm trong chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu được thực hiện trong năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì hội nghị. Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham...

Cùng tác giả

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm vùng ĐBSCL

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm vùng ĐBSCLCác tỉnh vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chủ lực như gạo, tôm, cá tra, rau, quả… Thặng dư hơn 8 tỷ USD Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL đạt 15,7 tỷ...

Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đây là hội nghị nằm trong chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu được thực hiện trong năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì hội nghị. Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất